Ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phát triển rất nhanh chóng. Cùng với việc mở rộng qui mô sản xuất, mức độ thâm canh hoá ngày càng cao đã dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều mầm bệnh nguy hiểm đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp nuôi tôm và gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế.
Mục tiêu của bài viết này là nhằm cung cấp những thông tin cơ bản nhất về tác nhân gây bệnh, chuẩn đoán nhanh thông qua hình ảnh trực quan nhằm giúp người nuôi tôm có thể xác định nhanh tình trạng nhiễm bệnh của tôm để có hướng kịp thời xử lý và một số giải pháp chung để phòng tránh các loại bệnh phổ biến nhất trên tôm hiện nay.
1. Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND)
Nguyên nhân: Tác nhân gây bệnh được xác định là do một chủng vi khuẩn Vibrio parhaemolyticus đặc biệt có độc lực cao.
Chuẩn đoán: Tôm bệnh có khối gan tụy teo, gan tụy có màu nhợt nhạt đến trắng, ruột tôm không có thức ăn hoặc đứt đoạn, tôm thường mềm vỏ, tỷ lệ tôm chết cao. Tôm sú bệnh EMS thường có màu đậm, chậm lớn (tương tự như bệnh còi MBV) các biểu hiện trên gan tụy tương tự như trên thẻ chân trắng như màu sắc nhợt nhạt, gan tụy teo, ruột không có thức ăn.
Tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu nhiễm bệnh hoại tử gan tụy
Tôm sú nhiễm nhiễm EMS/AHPND có màu đậm, chậm lớn, gan tụy teo (mũi tên màu đen).
Phòng trị bệnh: Chọn giống tốt, khỏe mạnh. Kiểm tra mật độ vi khuẩn Vibrio trong nước ao nuôi, trong đất và trên tôm giống để chắc chắn rằng mật số của Vibrio luôn ở mức an toàn. Sử dụng môi trường TCBS agar để kiểm tra Vibrio là phương pháp cực kỳ đơn giản để xác định vi khuẩn gây bệnh (khuẩn lạc xanh) so với các loài vi khuẩn khác (khuẩn lạc vàng, không nguy hiểm bằng khuẩn lạc xanh). Một cách lý tưởng, số lượng khuẩn lạc xanh nên ít hơn 10^5 CFU/ml trong tổng số khuẩn phát hiện trên đĩa. Điều đó có nghĩa nếu mật số vi khuẩn là 1 x 10^7 CFU/ml thì số lượng khuẩn lạc xanh nên ít hơn 1 x 10^2 CFU/ml. Nuôi ghép với cá rô phi hoặc các loài cá khác, tạo quần thể vi sinh (tảo và vi khuẩn) có lợi trong ao để át chế nhóm vi khuẩn Vibrio phát triển (chúng sẽ cạnh tranh về dinh dưỡng, môi trường sống,…với vi khuẩn gây bệnh). Có thể nuôi luân canh, vụ chính nuôi tôm sau đó nuôi các đối tượng khác như cá kèo,… Nếu muốn nuôi tôm bền vững và lâu dài trên mảnh đất của chúng ta thì nên hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh!
2. Bệnh đốm trắng (WSD)
Nguyên nhân: Có 3 trường hợp bệnh đốm trắng trên tôm có dấu hiệu bên ngoài rất giống nhau, nguyên nhân có thể do virus hoặc do vi khuẩn hoặc do môi trường. Đối với virus, bệnh do white spot syndrome virus (WSSV) gây ra. WSSV được phân loại thuộc giống mới Whispovirus, họ mới Nimaviridae. Đối với trường hợp vi khuẩn, nguyên nhân do vi khuẩn gây hội chứng đốm trắng (Bacterial White Spot Syndrome – BWSS), một số nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến một số loài vi khuẩn thuộc họ Bacillaceae. Bệnh đốm trắng do môi trường có nguyên nhân là do khi độ cứng (Ca2+ và Mg2+) của nước cao, tôm sẽ hấp thu quá nhiều Ca2+ và Mg2+ làm xuất hiện trên vỏ những đốm trắng.
Chuẩn đoán: Việc làm đầu tiên khi phát hiện tôm bị bệnh đốm trắng là nhanh chóng xác định nguyên nhân để xử trí kịp thời. Xét nghiệm PCR WSSV cho kết quả nhanh chóng và chính xác, nên tiến hành ngay khi tôm có dấu hiệu đốm trắng. Nếu kết quả PCR dương tính với WSSV thì thu hoạch ngay, ngược lại có thể nuôi tiếp và tiến hành các biện pháp xử lý tùy theo trường hợp.
Đối với tôm bệnh đốm trắng do virus: Tôm bệnh có nhiều đốm trắng kích thước từ 0,5 – 2,0 mm xuất hiện bên trong vỏ nhất là giáp vỏ đầu ngực, đốt bụng thứ 5, 6 và sau đó lan toàn thân. Tôm bệnh hoạt động kém, ăn nhiều đột ngột sau đó bỏ ăn, bơi lờ đờ ở mặt nước hay dạt vào bờ ao. Đôi khi tôm có thêm dấu hiệu đỏ thân. Khi các đốm trắng xuất hiện sau 3-10 ngày tôm chết hầu hết trong ao nuôi (100%). Kết quả xét nghiệm PCR dương tính với WSSV.
Tôm thẻ chân trắng nhiễm virus đốm trắng WSSV.
Tôm thẻ chân trắng nhiễm virus đốm trắng WSSV.
Tôm sú nhiễm virus đốm trắng WSSV.
Đối với tôm bệnh đốm trắng do vi khuẩn: Tôm mới nhiễm bệnh vẫn còn hoạt động ăn mồi và lột vỏ, có khi các đốm trắng mất đi sau khi tôm lột. Khi nhiễm nặng hơn, tôm lột vỏ bị chậm lại, chậm lớn và chết rải rác nhưng không có hiện tượng tôm chết hàng loạt, hầu hết tôm bị đóng rong, đen mang. Tôm bệnh có các đốm trắng mờ đục nhìn thấy trên vỏ khắp cơ thể. Các đốm trắng hình tròn, nhỏ và ít hơn đốm trắng do virus (WSSV). Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng có dạng lan tỏa hình địa y với viền kiểu gờ khía tròn ở giữa rỗng, trong khi đó đốm trắng do virus có nhiều đốm đen (melanin) ở giữa. Các đốm trắng thường chỉ ở phía ngoài lớp biểu bì và tổ chức liên kết. Nhìn chung tôm có ăn chậm hơn nhưng không gây thiệt hại đáng kể (Trần Việt Tiên, 2014). Kết quả xét nghiệm PCR âm tính với WSSV.
Tôm bệnh đốm trắng do vi khuẩn (Wang et al., 2000). Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng có dạng lan tỏa hình địa y với viền kiểu gờ khía tròn ở giữa rỗng.Tôm bệnh đốm trắng do virrus WSSV (Wang et al., 2000). Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi đốm trắng cho thấy có viền tròn bao quanh (mũi tên to, rỗng), chính giữa có nhiều đốm đen (melanin).
Đối với tôm bệnh đốm trắng do môi trường: Tôm có đốm trắng ở vỏ đầu ngực hoặc phần vỏ ở sống lưng nhưng vẫn khoẻ mạnh, không có tôm tấp bờ, đàn tôm vẫn hoạt động và ăn đều ở mức bình thường, chu kỳ lột xác dài hơn bình thường và tôm sinh trưởng hơi chậm thì nguyên nhân bị đốm trắng là do môi trường chứ không phải là do virus hay vi khuẩn. Kết quả xét nghiệm PCR âm tính với WSSV.
Phòng trị bệnh: Để phòng bệnh bệnh tốt cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau: (i) Xét nghiệm, chọn tôm bố mẹ, tôm giống không nhiễm WSSV, có chất lượng tốt; (ii) Chọn mùa vụ nuôi thích hợp, tránh thả nuôi vào mùa lạnh; (iii) Nguồn nước cho vào ao nuôi không được lấy trực tiếp từ tự nhiên, phải được lắng lọc; (iv) Ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân chuyên chở mầm bệnh như các loài giáp xác hoang dã như cua còng, các loài chim bằng cách làm hàng rào xung quanh ao nuôi và giăng lưới ngăn các loài chim; (vi) Quản lí và theo dõi chặt chẽ môi trường nước ao (Trần Thị Mỹ Duyên, 2013).
3. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV)
Nguyên nhân: Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô do infectious hypodermal and hematopoietic necrosis virus (IHHNV) gây ra. IHHNV được phân loại thuộc họ Parvoviridae, thuộc giống mới Brevidensovirus.
Chuẩn đoán: Tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh biểu hiện chủy bị cong hoặc dị hình, các phụ bộ ở phần đầu ngực cũng có biêu hiện không bình thường, bị biến dạng, vỏ thô ráp sần sùi, râu tôm quăn queo, tăng trưởng của tôm giảm từ 10 – 30%, tôm bị còi cọc. Đối với tôm sú, khi biểu hiện bệnh tôm thường chuyển sang màu xanh, cơ bụng có màu trắng đục và tôm thường chết nhiều trong giai đoạn 10 – 20 ngày sau khi thả giống. Bệnh IHHNV làm giảm sản lượng và gây thiệt hại về kinh tế vì khi thu hoạch, tôm nhiễm bệnh thường có kích thước nhỏ, không đồng đều và dị hình.
Tôm thẻ chân trắng bệnh IHHNV với các dấu hiệu điển hình như chủy cong quẹo, phần đuôi dị hình, biến dạng.
Cận cảnh tôm thẻ chân trắng bệnh IHHNV.
Tôm thẻ chân trắng có biểu hiện của bệnh IHHNV, thân tôm bị biến dạng.
Tôm thẻ chân trắng có biểu hiện của bệnh IHHNV, thân tôm bị biến dạng, dị hình.
Phòng trị bệnh: Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là sử dụng tôm bố mẹ có chất lượng cao, sạch bệnh. Phương pháp tiệt trùng trứng và ấu trùng là một phương pháp phòng bệnh hiệu quả tại các trại sản xuất giống. Đối với các ao nuôi tôm thịt, chọn lọc và kiểm tra con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, không nhiễm IHHNV cũng là một cách phòng bệnh (Trần Thị Mỹ Duyên, 2013).
4. Bệnh đầu vàng (YHV)
Nguyên nhân: Tác nhân gây bệnh là do phức hợp virus gây bệnh đầu vàng (yellow head virus – YHV) và virus gây hội chứng liên quan đến mang (gill-associated virus – GAV). Hiện nay, YHV được ghi nhận có 6 kiểu gen khác nhau. YHV và GAV được phân loại thuộc họ Roniviridae, giống Okavirus.
Chuẩn đoán: Tôm nhiễm bệnh có biểu hiện vàng hoặc nâu ở mang, vàng ở phần đầu ngực, toàn thân có màu nhợt nhạt, sưng tuyến tiêu hóa làm cho đầu xuất hiện màu vàng. Bệnh gây tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100% sau 3 đến 5 ngày nhiễm bệnh. Kết quả PCR dương tính với YHV/GAV.
Tôm sú chết do nhiễm bệnh đầu vàng YHV/GAV.
Cận cảnh phần đầu tôm sú nhiễm bệnh đầu vàng YHV/GAV.
Tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh đầu vàng YHV/GAV (bên trên) so với tôm khỏe (bên dưới).
Phòng trị bệnh: Áp dụng phương pháp phòng bệnh và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh này bằng cách chọn lọc và kiểm tra con giống sạch bệnh trước khi thả nuôi, xử lý chất lượng nguồn nước và môi trường xung quanh cho phù hợp (Trần Thị Mỹ Duyên, 2013).
5. Bệnh phân trắng hay hội chứng phân trắng (WFD/WFS)
Nguyên nhân: Hiện chưa xác định được chính xác nguyên nhân, có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tôm bệnh phân trắng do nhóm vi khuẩn Vibrio, cũng có những nghiên cứu khác cho rằng nguyên nhân do trùng hai tế bào (Gregarine) hoặc nhóm ký sinh trùng có tên Vermiform. Một vài nghiên cứu cho thấy tôm nhiễm bệnh có sự hiện diện của nhiều loại mầm bệnh khác nhau như vi khuẩn (nhóm Vibrio), ký sinh trùng (Vermiform, trùng hai tế bào – Gregarine), virus.
Chuẩn đoán: Tôm bệnh thải ra phân trắng, thỉnh thoảng sợi phân tôm cũng có màu vàng nhạt, gan tụy teo hay mềm nhũn, tôm bệnh phân trắng thường kèm theo triệu chứng mềm vỏ hay vỏ lỏng lẻo. Một vài ngày sau khi nhiễm bệnh, tôm sẽ yếu và bơi lội lờ đờ trên mặt nước, tôm yếu dần và chết. Nên tiến hành các xét nghiệm đơn giản nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng xử lý thích hợp. Việc đầu tiên và đơn giản nhất là kiểm tra ký sinh trùng trong ruột tôm bằng cách cắt một đoạn ruột tôm và soi dưới kính hiển vi quang học xem có nhiễm ký sinh trùng hay không. Nếu tôm không nhiễm ký sinh trùng, tiến hành kiểm tra tổng vi khuẩn Vibrio trong môi trường ao nuôi, nếu mật số Vibrio quá cao, có thể nguyên nhân do vi khuẩn Vibrio.
Dấu hiệu lâm sàng của WFS. (a) Sợi phân trắng nổi trên mặt nước; (b) Sợi phân trắng trên sàng ăn; (c) Tôm nhiễm bệnh ruột có màu trắng; (d) Tôm nhiễm bệnh ruột có màu vàng nâu; (e) Ảnh chụp hiển vi bên trong của sợi phân.
Mẫu nhuộm tươi của mô gan tụy tôm quan sát dưới kính hiển vi quang học. (a) Ảnh hiển vi độ phóng đại thấp cho thấy có 3 con vermiform trong tế bào ống gan tụy tôm; (b) Ảnh hiển vi độ phóng đại cao cho thấy một con vermiform có các cấu trúc giống bào tử, nhưng thực ra đó là các tế bào B bị bong tróc và tồn tại độc lập; (c) Ảnh hiển vi độ phóng đại cao của ký sinh trùng nhuộm bởi dung dịch Rose Bengal cho thấy rõ các cấu trúc bên trong màng tế bào.
Mẫu mô gan tụy tôm nhuộm bằng H&E cho thấy rõ hình thái của vermiform và cấu trúc giống bào tử.
Trùng hai tế bào phân lập được trong ruột của tôm bệnh phân trắng.
Phòng trị bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp do có nhiều tác nhân gây bệnh phân trắng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia Thái Lan là người nuôi tôm nên giảm mật độ nuôi trong mùa nắng nóng. Điều này làm giảm hàm lượng vật chất hữu cơ ở nền đáy ao và làm giảm sự phát triển của vi khuẩn Vibrio spp. Bên cạnh đó, một số nhà nuôi tôm đã thành công trong việc kiểm soát bệnh này bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học có chứa vi khuẩn Bacillus subtilis để hạn chế sự phát triển của nhóm vi khuẩn Vibrio spp. gây bệnh. Nuôi ghép tôm với cá rô phi cũng có tác dụng tốt trong kiểm soát nhóm vi khuẩn Vibrio phát triển trong ao nuôi. Để khống chế trùng hai tế bào, sử dụng tỏi với liều lượng 5-10 g/kg thức ăn cho hiệu quả cao.
6. Bệnh Taura hay hội chứng Taura (TSV)
Nguyên nhân: Bệnh do taura syndrome virus (TSV) gây ra. Đầu tiên, TSV được phân loại thuộc họ Piconarviridae nhưng gần đây đã được tái phân loại vào họ Dicistroviridae.
Chuẩn đoán: Tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh có màu đỏ nhạt, đặc biệt là phần đuôi. Ngoài ra, tôm còn có dấu hiệu khác như mềm vỏ và ruột rỗng. Hội chứng Taura gây chết với tỷ lệ cao (thường tỷ lệ gây chết từ 40% đến 90%) và lây lan nhanh. Virus Taura có thể nhiễm trên tôm sú gây ra bệnh đỏ đuôi: tôm có màu đỏ ở toàn bộ vùng đuôi quạt và các đốt thân kế tiếp ngược lên phía đầu; chân bò, chân bơi cũng có màu đỏ.
Tôm sú bệnh Taura.
Tôm sú bệnh Taura.
Tôm thẻ chân trắng bệnh Taura.
Tôm thẻ chân trắng bệnh Taura.
Tôm thẻ chân trắng bệnh Taura, có kèm theo triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn.Phòng trị bệnh: Áp dụng phương pháp phòng bệnh tổng hợp. Tương tự như phòng bệnh bệnh đốm trắng WSSV và bệnh đầu vàng, chọn con giống không có mầm bệnh sau khi qua kiểm tra PCR hoặc chọn con giống không nhiễm bệnh SPF (specific Pathogen Free).
7. Bệnh hoại tử cơ, trắng đuôi, đục cơ
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh bệnh hoại tử cơ, trắng đuôi, đục cơ trên tôm. Dấu hiệu chung của bệnh này là phần cơ đuôi hoặc phần cơ ở các đốt thân khác hoặc toàn thân có màu trắng hoặc đục và có dấu hiệu hoại tử. Các nguyên nhân/trường hợp gây đục cơ trên tôm như sau:
Đục cơ kết hợp với cong thân: Trường hợp này thường xảy ra khi nhấc nhá (sàn, vó) lên khỏi mặt nước vào ban ngày, khi nhiệt độ rất nóng. Tôm nhảy lên và búng mạnh, rồi sau đó một số con bị cong thân. Đuôi uốn cong chạm đến phần giáp ngực, cùng lúc đó mô cơ chạy dọc theo phần giữa cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Sau khi được thả trở lại ao, tất cả tôm cong thân đều sẽ chết vì không có khả năng tự duỗi thẳng. Tương tự, khi chài tôm kiểm tra lúc nắng nóng, tôm cũng trắng cơ và cong thân. Cách tốt nhất để hạn chế là không nhấc nhá lên khỏi mặt nước hoặc sử dụng chài để kiểm tra tôm khi thời tiết nắng nóng. Hiện tượng này đôi khi cũng xảy ra khi tắt toàn bộ quạt nước lúc cho tôm ăn rồi bật quạt chạy trở lại. Việc các dàn quạt hoạt động trở lại có thể khiến tôm “giật mình” và nhiều con nhảy lên mặt nước tạo thành “làn sóng” chạy dọc theo ao. Hiện tượng này thường xảy ra vào lúc khuya, một vài con bị cong thân khi tiếp xúc với không khí và chuyển sang trắng cơ. Thường thì người nuôi không chú ý đến hiện tượng này và đến ngày hôm sau mới phát hiện có tôm chết ở trong ao. Vấn đề này thường xảy ra khi thời tiết có nhiệt độ cao và trong ao có nhiều loài tảo giáp phát triển. Mật độ tảo giáp cao làm cho nước có màu nâu đỏ và tôm yếu đi. Cách tốt nhất để tôm không nhảy lên mặt nước do bị sốc vì bật lại máy quạt nước là khi tôm đạt kích cỡ 10 gram/con hoặc lớn hơn thì người nuôi nên duy trì hoạt động của một vài dàn quạt, thậm chí trong lúc cho tôm ăn (Công ty BayerAnimal Vietnam).
Đục cơ do trong quá trình vận chuyển hoặc sang ao: Khi kéo lưới để bắt tôm cho mục đích thu tỉa hay sang ao, một số tôm sẽ bị stress và một phần hay toàn bộ cơ thịt của nó sẽ bị trắng đục, hoặc thỉnh thoảng có sự pha lẫn giữa màu trắng và màu tối khác thường như màu cam hoặc màu đỏ hồng. Hầu hết tôm có màu khác thường này sẽ chết. Những con khác bị nhẹ nếu có hồi phục thì cũng mất vài ngày màu sắc cơ thể mới trở lại bình thường. Biện pháp tốt nhất là phải kiểm tra sức khoẻ tôm trước khi di chuyển sang ao mới. Nếu tôm khoẻ mạnh thì nó có thể chịu đựng được stress. Nếu người nuôi bắt đầu chuyển tôm và phát hiện thấy một vài con chuyển sang trắng đục thì nên hoãn lại. Nước dùng vận chuyển tôm phải có nhiệt độ 24 – 25oC và hàm lượng oxy phải cao (Công ty BayerAnimal Vietnam).
Tôm thẻ chân trắng bị đục cơ do quá trình vận chuyển.
Đục cơ do hàm lượng oxy thấp: Lượng oxy trong nước ao nuôi sẽ thấp nếu như không lắp đủ các dàn quạt nước tương ứng với số tôm trong ao. Theo kinh nghiệm, mỗi mã lực điện (HP) máy quạt nước thì sẽ cung cấp đủ oxy cho 400 – 500 kg tôm chân trắng. Người nuôi nên tính số lượng dàn quạt nước vừa đủ cung cấp oxy cho lượng tôm có trong ao. Ngoài ra, vị trí đặt dàn quạt nước cũng rất quan trọng, lắp đặt các dàn quạt nước đúng vị trí sẽ tạo được dòng chảy cuốn chất thải vào giữa ao, làm cho đáy ao luôn sạch, đồng thời làm cho oxy được khuyếch tán vào mọi nơi trong ao, đặc biệt là giữa ao, nơi diễn ra sự phân huỷ các chất hữu cơ được tích tụ từ xác tảo tàn và thức ăn dư thừa. Quá trình phân huỷ các chất hữu cơ tăng lên trong suốt vụ nuôi và đây là nguyên nhân làm lượng oxy trong nước giảm xuống thấp. Chất thải hữu cơ tích tụ trong ao sẽ được vi sinh phân huỷ và hoạt động sống của chúng cần lượng lớn oxy. Khi trời có nhiều mây mù hoặc mưa trong vài ngày liên tục, tảo sẽ không thể quang hợp tốt và sẽ không tạo ra nhiều oxy. Trong khi đó, mọi sinh vật sống trong ao bao gồm tôm, tảo và vi sinh vật đều sử dụng oxy. Oxy hoà tan trong nước không đều và rất thấp ở giữa ao, đặc biệt là những ao không có sự trao đổi nước thường xuyên và thả tôm mật độ cao. Khi có nhiều tôm, người nuôi phải cung cấp nhiều thức ăn và màu nước ao sẽ đậm vì tảo phát triển dày đặc. Nếu oxy trong ao tôm từ 4 ppm trở lên, cơ thể tôm chân trắng có màu sáng bình thường. Nhưng trong những ao nuôi mật độ cao và oxy hòa tan thấp, thì tôm sẽ bị stress và cơ thể sẽ có xu hướng chuyển thành màu trắng hay mờ đục. Khi hàm lượng oxy xuống thấp 1,7 ppm thì tôm sẽ bơi lên mặt nước (tôm nổi đầu) và hầu hết sẽ chết khi lột xác. Hiện tượng này cũng đã được chứng minh ở phòng thí nghiệm Aquaculture Business Research Center của Đại học Kasetsart, Thái Lan. Tôm được nuôi trong bể kính có sục khí đầy đủ. Khi tắt máy sục khí, oxy trong nước giảm và kéo theo hoạt động của tôm giảm. Tôm không bơi lội nhiều và thường có khuynh hướng xuống gần đáy bể. Tôm sẽ không chết hoặc bơi lờ đờ lên mặt nước kể cả khi oxy trong nước thấp hơn 1 ppm. Tuy nhiên, khi hàm lượng oxy xuống thấp hơn thì hầu hết tôm có dấu hiệu mô cơ trở nên trắng đục. Một số con chỉ trắng tại phần gốc của các chân bơi (Công ty BayerAnimal Vietnam).
Đục cơ do bệnh: Ngoài những trường hợp trên, tôm còn có thể đục cơ do bệnh lý. Hiện tại, có nhiều nghiên cứu đã xác định được nguyên nhân gây bệnh đục cơ trên tôm thẻ chân trắng là do tôm bị bệnh, ví dụ như do nhiễm vi bào tử trùng (Microsporidian), hay virus (IMNV, PvNV) hay do nhiễm vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio (bệnh trắng đuôi do Vibrio harveyi được đặt tên là “bệnh trắng đuôi do vi khuẩn” (BWTD – bacterial white tail disease). Ở vùng nuôi có độ mặn tương đối cao (25 – 35‰), tôm chuyển sang trắng đục ở một số bộ phận trên cơ thể, nhưng nguyên nhân không phải do stress mà thường do vi bào tử trùng (Microsporidian). Ngoài ra, tôm nhiễm virus gây hoại tử cơ (IMNV – infectious myonecrosis virus), hay bệnh hoại tử cơ trên tôm thẻ chân trắng do nodavirus (PvNV – Penaeus vannamei nodavirus). Hai loại virus IMNV và PvNV có nhiều đặc điểm giống với nodavirus gây bệnh trắng đuôi (WTD – white tail disease) trên tôm càng xanh (MrNV – Macrobrachium rosenbergii nodavirus). Cả hai loại virus này đầu tiên đều tấn công vào phần cơ tôm và có biểu hiện lâm sàng giống nhau là làm trắng hoặc đục ở đốt cơ đuôi trên họ tôm he. Các điểm hoại tử nhỏ bắt đầu ở phần đuôi rồi sau đó lan dần ra toàn thân. Tỷ lệ chết tích lũy khá cao, khoảng 40 – 70%. Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị mà chủ yếu vẫn áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như không dùng tôm bố mẹ nhiễm bệnh trong các trại giống, loại bỏ những tôm bệnh ra khỏi ao nuôi và làm tốt công tác cải tạo ao.
Cấu trúc hình thái dòng vi khuẩn V. harveyi HLB0905 (bar = 2 µm) gây bệnh trắng đuôi.
Dấu hiệu lâm sàng của bệnh trắng đuôi trên tôm thẻ chân trắng. (A) Dấu hiệu tôm bệnh trắng đuôi từ ao nuôi tự nhiên; (B) Dấu hiệu tôm bệnh trắng đuôi sau khi gây cảm nhiễm bằng vi khuẩn V. harveyi HLB0905 phân lập được trong phòng thí nghiệm.
Tôm bị đục cơ do nhiễm vi bào tử trùng. Tôm trưởng thành với dấu hiệu đục cơ đặc biệt ở phần lưng từ gan tụy đến phần giữa thân. Tuy nhiên, vài con cũng bị đục cơ ở phần đốt cuối cơ thể (Hình 01). Những đám, vệt lớn màu trắng đục trên những con tôm bị nhiễm bệnh cho thấy chúng thay thế cơ thịt cũng như những cơ quan khác như gan tụy, dạ dày và cơ quan bạch huyết (Lymphoid organ) (Hình 02).
Tôm sú bệnh “trắng đuôi”.
Tôm thẻ chân trắng bị đục cơ do nhiễm trùng hai tế bào (Microsporidian).
8. Bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn (NHPB) hay bệnh “đốm đen”
Nguyên nhân: Bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn NHPB (Necrotizing hepatopancreatitis bacterium) có nguyên nhân là do tôm bị nhiễm vi khuẩn. Bệnh hoại tử gan tụy do vi khuẩn gây ra hoàn toàn khác với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính EMSAHPND mà ta đã biết. Kiểm tra PCR tôm bị đốm đen cho kết quả hoàn toàn âm tính với EMS/AHPND.
Chuẩn đoán: Bệnh xảy ra do các điều kiện môi trường ao nuôi kém, đặc biệt là đáy ao bị dơ, các ao nuôi xuất hiện bệnh “đốm đen” thường có hàm lượng các khí độc như NH3, NO2 rất cao. Tỷ lệ chết có thể lên đến 95% trong vòng 15 – 30 ngày kể từ khi phát hiện bệnh nếu không có bất kỳ biện pháp chữa trị nào được áp dụng ngay tức thời đối với trường hợp ao nuôi ô nhiễm nặng và hàm lượng vi khuẩn trong nước ao nuôi vượt ngưỡng gấp nhiều lần. Tôm bệnh có các biểu hiện như lờ đờ, giảm ăn hoặc bỏ ăn, tốc độ tăng trưởng chậm, trên thân xuất hiện nhiều đốm đen li ti hoặc mãng lớn màu đen, mang màu tối hoặc đen, đuôi mỏng, có thể có những tổn thương phụ bộ như mòn đuôi và vảy râu, cụt râu, … Đối với những trường hợp bệnh nặng ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt, bề mặt thân tôm bị đốm đen có thể có mùi hôi (Nguyễn Thành Quang Thuận và ctv., 2014).
Tôm thẻ chân trắng bệnh đốm đen.
Tôm thẻ chân trắng bệnh đốm đen.
Tôm thẻ chân trắng bệnh đốm đen, sau khi lột vỏ tôm có thể hồi phục.
Phòng bệnh: Bệnh “đốm đen” có nguyên nhân do vi khuẩn, nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung đối với bệnh do vi khuẩn. Các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo như sau: Quá trình cải tạo ao cần phải diệt khuẩn kỹ lưỡng, trước và sau khi diệt khuẩn cần thực hiện kiểm tra đánh giá mật số vi khuẩn gây bệnh bằng biện pháp đơn giản nhất là dùng đĩa thạch TCBS, qua đó có thể đánh giá công tác loại bỏ phần lớn mầm bệnh trong ao nuôi có đạt yêu cầu hay không. Kiểm tra chất lượng tôm giống bằng kỹ thuật PCR không chỉ với bệnh EMS, đốm trắng, IHHNV, IMNV mà cả NHP. Mật độ thả phù hợp với thiết kế cơ sở hạ tầng, hệ thống quạt nước cung cấp oxy, độ sâu mực ước ao nuôi, mùa vụ cũng như kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật, mức độ am hiểu về tôm thẻ chân trắng của chính người nuôi. Sử dụng các chế phẩm sinh học (probiotic) định kỳ và thường xuyên trong ao nuôi ít nhất trong 60 ngày đầu thả nuôi. Kiểm tra mật số vi khuẩn gây bệnh định kỳ 5 – 7 ngày/lần nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời khi phát hiện mật số vi khuẩn tăng cao hơn 10^3 CFU/ml. Bổ sung khoáng chất và các chất tăng cường khả năng diệt khuẩn, tăng khả năng đề kháng của tôm trong ít nhất 45 ngày đầu thả nuôi và tốt nhất nên bổ sung ngay sau khi thả tôm. Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển nhanh. Kiểm tra hàm lượng oxy trong ao nuôi thường xuyên để có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu oxy cục bộ, kéo dài trong ao nuôi dễ gây stress cho tôm và qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, dễ nhiễm bệnh. Nên đặt vó kiểm tra tôm sau 15 ngày thả nuôi nhằm có thể phát hiện sớm bệnh (Nguyễn Thành Quang Thuận và ctv., 2014).
Trị bệnh: Tùy theo cường độ cảm nhiễm của bệnh, sức khỏe tôm, và thời gian phát hiện bệnh mà các biện pháp chữa trị áp dụng có hiệu quả hay không. Phác đồ chữ trị chung cho bệnh đốm đen được thực hiện như sau:
– Đối với môi trường nước: Tiến hành diệt khuẩn trong ao bằng sản phẩm phù hợp tùy theo giai đoạn tuổi tôm. Quá trình này có thể lập lại 2 – 3 lần tùy theo tỷ lệ nhiễm bệnh trong ao. Cấy vi sinh lại với hàm lượng cao sau 36 giờ diệt khuẩn. Có thể bổ sung mật rỉ đường để điều chỉnh pH và giảm hàm lượng khí độc trong ao. Tăng cường sụt khí.
– Đối với tôm: Giảm cho ăn từ 10 – 30% lượng cho ăn hàng ngày. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, vitamin tổng hợp và hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch cho tôm. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị vì chúng có khả năng gây lờn thuốc nếu sử dụng không đúng cách, tái nhiễm với cường độ cao hơn dẫn đến khó chữa trị, nhiễm bệnh khác vì vô tình gây ra tình trạng lờn thuốc, biến thể với chủng vi khuẩn gây bệnh khác.
Với tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 40% bầy đàn, môi trường không bị ô nhiễm trầm trọng và sức khỏe bầy tôm tốt, phác đồ chữa trị trên hoàn toàn có thể giúp người nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn và có một mùa vụ thành công. Phác đồ chữa trị đơn giản trên phát huy hiệu quả hay không còn tùy thuộc và chất lượng sản phẩm mà người nuôi sử dụng. Với những sản phẩm chất lượng cao và phù hợp giai đoạn bệnh hầu hết 90% các trường hợp chữa trị đều mang đến thành công (Nguyễn Thành Quang Thuận và ctv., 2014).
Kết luận
Dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều bệnh mới xuất hiện trong thời gian gần đây, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp nuôi tôm trên thế giới. Bệnh do virus thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản nên có nhiều nghiên cứu tập trung vào các nhóm virus gây bệnh hơn là các mầm bệnh do vi khuẩn. Tuy nhiên, cùng với sự nóng lên toàn cầu, mức độ thâm canh hóa trong nuôi trồng thủy sản ngày càng cao, và vấn đề sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong nuôi tôm đã làm phát sinh nhiều bệnh do vi khuẩn đặc biệt là nhóm Vibrio ngày càng trở nên nguy hiểm và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp nuôi tôm he trên thế giới. Từ một tác nhân gây bệnh cơ hội, nhóm vi khuẩn Vibrio ngày càng có độc lực cao hơn và nó trở thành tác nhân chính gây bệnh trên tôm nuôi. Các giải pháp như nuôi ghép tôm với các loài cá như cá rô phi, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi luân canh, tạo quần thể vi sinh (tảo và vi khuẩn) có lợi trong ao để át chế nhóm vi khuẩn Vibrio phát triển (chúng sẽ cạnh tranh về dinh dưỡng, môi trường sống,…với vi khuẩn gây bệnh), xây dựng và phát triển các chương trình sản xuất giống tôm phi bệnh tật (SPF)… đang có triển vọng cao và được khuyến cáo trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi hiện nay. Nếu muốn nuôi tôm bền vững và lâu dài trên mảnh đất của chúng ta thì nên hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh!
Tài liệu tham khảo: Bài viết này có tham khảo, trích dẫn các bài viết về bệnh tôm của các tác giả Đặng Thị Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Phương, Trần Thị Mỹ Duyên, Trần Việt Tiên, Nguyễn Thành Quang Thuận và nhóm tác giả thuộc Công ty Vĩnh Thịnh Biostadt, Công ty BayerAnimal Vietnam. Xin chân thành cảm ơn!
Bài viết sử dụng hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau của các tác giả: Dr. Chalor Limsuwan, TS. Trần Hữu Lộc, Anh Nghị Cà Mau, ENACA, Công ty Vĩnh Thịnh Biostadt, các anh chị em của Nhóm “Chúng tôi là kỹ sư nuôi” trên Facebook. Xin chân thành cảm ơn!