Gần đây, người nuôi phải đối mặt với vấn đề dao động bất thường của nhiệt độ và độ mặn, nguyên nhân gây nên các loại bệnh cho tôm nuôi; đặc biệt đầu vàng (YHD-Yellow head disease), đốm trắng (WSD-White spot disease) và phát sáng do vi khuẩn (Luminescent bacteria) là các bệnh thường mang đến những mùa vụ thất bát cho người nuôi.
Họ cũng gặp phải vấn đề tôm nuôi chậm lớn (stunted growth) và đen mang (black gill). Các vấn đề này có thể được khắc phục, tuy nhiên đa số người nuôi thích thả giống vào mùa mưa (wet season) hơn so với mùa khô (dry season) hay mùa lạnh (cold season) vì họ tin rằng làm như vậy sẽ ít gặp phải các vấn đề trên hơn. Tuy nhiên, nuôi tôm vào mùa mưa cũng gặp phải các vấn đề khác, đó là điều mà tôi muốn nói đến nhằm giúp người nuôi có thể trù tính và phòng ngừa đầy đủ cho những mùa vụ sắp tới của họ.
1. Chuẩn bị ao nuôi
Trong những vùng đất phèn (acid sulfate soil), mưa lớn là nguyên nhân gây nên tình trạng xì phèn từ đáy ao nuôi và rửa trôi phèn từ bờ nếu ao được phơi trong thời gian dài trong suốt mùa khô. Do đó ao cần phải được bón vôi và dội rửa kỹ ít nhất một lần cho tới khi pH nước đạt trên 7. Phân bón và vôi cần phải được sử dụng thêm sau đó nữa.
2. Độ mặn
Vì các vùng nuôi khác nhau có độ mặn khác nhau, do đó người nuôi cần thông báo độ mặn thực tế ao nuôi của mình cho trại sản xuất giống hoặc trại thuần (hatchery or nursery) để họ có thể sớm điều chỉnh độ mặn của tôm giống cần thả phù hợp với yêu cầu của người nuôi. Nếu như độ mặn ao nuôi quá thấp, tôm giống nên được ương trong những khu vực nhỏ (small enclosure) ở độ mặn 4-5‰ nhằm đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ sống cao (high survival).
3. Địch hại (Predators)
Nếu ao và nước nuôi được chuẩn bị quá sớm trước khi thả giống, địch hại chẳng hạn như tôm đất (Metapenaeus shrimp), cá vây mềm (finfish) có trong ao sẽ phát triển nhanh hơn trong mùa mưa. Nếu chúng xuất hiện trong ao, nên loại chúng ra hoặc cải tạo lại ao vì nếu không chúng sẽ là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ sống hoặc đưa vào ao mầm bệnh kể cả virus.
4. Mưa suốt thời gian thả giống
Mưa thường xảy ra vào buổi trưa hoặc chiều tối trong suốt mùa mưa và điều này có thể làm rửa trôi phèn từ bờ vào ao nuôi. Nước có tính acid là nguyên nhân gây nên tỷ lệ chết cao cho tôm mới thả vì chúng thường còn yếu sau khi vận chuyển và chưa kịp thích nghi với môi trường mới. Vì vậy thả giống vào buổi sáng có thể tránh được tình trạng trên. Bón vôi CaCO3 đều đặn cho bờ ao sẽ hạn chế được vấn đề trên.
5. Tôm nổi đầu sau khi mưa
Sau cơn mưa lớn, tôm nuôi thường được quan sát thấy nổi trên mặt nước, đặc biệt ở những ao nằm trong vùng đất phèn, ao cũ hoặc ao quá sâu ít có sự lưu thông nước. Phèn rửa trôi từ bờ ao là nguyên nhân làm giảm pH nước vì vậy làm tăng tính độc của khí H2S tích tụ ở đáy ao. Đó là nguyên nhân làm cho tôm suy yếu và nổi lên mặt nước. Để giải quyết vấn đề, cần phải tháo bỏ phần nước ở đáy ao và hòa vôi tạt đều khắp ao sao cho pH nước được nâng lên trên 7.5. Lượng thức ăn cần giảm bớt cho tới khi nào tôm được quan sát trong vó ở trạng thái bình thường.
6. Nước trong (clear water) sau khi mưa
Vấn đề này thường gặp ở những vùng đất phèn hoặc đất cát. Nguyên nhân do sự thay đổi nhanh chóng của độ kiềm và CO2 của nước ao sau cơn mưa lớn làm giảm đột ngột mật độ tảo trong ao nuôi. Để giải quyết vấn đề này, nước trong ao nuôi cần được gây màu lại hoặc nên cho thêm vào ao nước xanh có chứa chứa hàm lượng tảo cao của các ao bên cạnh hay từ hệ thống mương cấp thoát gần đó. Sau đó nên bón vôi CaCO3 hàng ngày hoặc hai ngày một lần với liều lượng 125-187kg/ha cùng với việc bón phân. Thông thường, bón vôi CaCO3 hoặc dolomite với liều lượng 125-187kg/ha 2 ngày/lần trong suốt thời gian 50 ngày sau khi thả giống có thể cải thiện màu nước ao. Nếu nước vẫn tiếp tục trong và lab-lab (tảo đáy) phát triển thì có thể dùng màu nhân tạo (màu giả) để giảm cường độ ánh sáng chiếu xuống ao.
7. Biến đổi sau khi thay nước
Vấn đề này xảy ra đối với các ao nuôi ở gần các kinh mương hoặc cửa sông nơi mà phèn hình thành trong mùa khô bị rửa trôi từ thượng nguồn bởi những cơn mưa đầu mùa (early rain). Do đó sẽ rất nguy hiểm cho việc thay nước nhiều vào giai đoạn đầu mùa mưa (early rain period). Giải pháp tốt nhất là ngừng thay nước 1-2 ngày đầu tiên lúc con nước lớn (spring tide). Nước từ bên ngoài nên được thêm vào ao để làm cho tôm thích nghi từ từ trước khi lấy tiếp vào những ngày tiếp theo. Để kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm vào ao nuôi, 5-10 con tôm từ ao nuôi được thả vào một lồng lưới đặt ở đầu cống để làm vật chỉ thị sống chắc chắn.
8. Nhiều chất rắn lơ lửng (suspended solid) sau khi mưa
Trong cát hoặc vùng đất cát sẽ luôn có nhiều hạt keo lơ lửng xuất hiện trong ao nuôi sau những cơn mưa lớn. Để loại bỏ những hạt rắn lơ lửng này, nên cấp nước nhiều và bón vôi với liều lượng 62-125kg/ha/ngày và không mở máy sục khí vào ban ngày. Nếu các hạt này vẫn còn trong 2-3 ngày, chất tạo kết tủa nên được bón vào ao trước khi thay nước. Trong suốt thời gian xử lý, nên giảm lượng thức ăn 20-50% vì chất tạo kết tủa có thể ảnh hưởng đến sức ăn của tôm.
9. Mềm vỏ (shoftsell) và chân bò (walking legs) không bình thường
Trong những vùng đất phèn và kiềm thấp (dưới 50ppm), đặc biệt với các ao sử dụng nước nuôi từ kênh mương, tôm có thể bị mềm vỏ, khó lột xác và chân bò, chân bơi bị dị hình. Tôm bỏ ăn hoặc ăn ít vì mất cân bằng chất khoáng. Nên bón vôi CaCO3 hoặc dolomite với liều lượng 125-187kg/ha mỗi 1-2 ngày/lần trong 50 ngày kể từ khi thả giống.
Trên đây chỉ là một phần của các vấn đề và giải pháp thông thường, với mỗi vấn đề sẽ có mỗi giải pháp khác nhau. Vì vậy, người nuôi nên theo dõi thường xuyên sức khỏe tôm và chất lượng nước và nhanh chóng giải quyết các vấn đề. Vị trí thích hợp và quản lý tốt hệ thống sục khí cho việc làm sạch các khu vực cho ăn ở đáy ao cũng có thể làm giảm tỷ lệ chết của tôm.
Nguyên tắc then chốt cho việc giải quyết các vấn đề trên là quản lý nước hiệu quả bằng cách có một ao lắng (chiếm 25% diện tích trang trại và sâu 3m) gắn liền với các ao nuôi. Nếu cần thiết, hóa chất và chất sát trùng có thể được sử dụng trong ao lắng trước khi cấp nước vào ao nuôi. Mật độ thả giống thích hợp (ít hơn 50 con/m2) có thể làm giảm hàm lượng hữu cơ (organic loads) trong ao, cải thiện chất lượng nước và giải quyết vấn đề bùn (sludge treatments).
Các biện pháp phòng ngừa và xử lý trên thực hiện rất đơn giản, đó là các hướng dẫn căn bản và then chốt cho việc nuôi tôm. Nếu người nuôi giữa được đáy ao sạch sẽ, màu nước ổn định (water color constant) và thay nước cẩn thận, các vấn đề trên sẽ được giảm thiểu. Cuối cùng, tác giả hy vọng bài viết này sẽ hỗ trợ người nuôi hiểu được bản chất (background) của các vấn đề, phòng ngừa và xử lý từng bước chắc chắn và mong muốn người nuôi có những mùa vụ thành công vào mùa mưa tới.