Một số lưu ý khi sử dụng cám gạo lên men trong hệ thống nuôi copefloc

Copefloc là một thuật ngữ dùng để chỉ một công nghệ nuôi tôm mới đang phát triển mạnh tại Thái Lan. Copefloc = Copepods + Biofloc là một công nghệ nuôi tôm sử dụng copepods (giáp xác chân chèo), các hạt biofloc và các động vật thân mềm sống đáy (giun nhiều tơ,…) như là một nguồn thức ăn chính yếu cho tôm nuôi và hoàn toàn không sử dụng thức ăn chế biến (thức ăn viên công nghiệp).

Một trong những điểm quan trọng nhất trong mô hình này là việc gây nuôi thức ăn tự nhiên trong ao trước và sau khi thả tôm. Sau khi lấy nước vào ao nuôi từ ao lắng (nước được xử lý, lắng lọc ở ao lắng trong một thời gian dài) đến khi đạt độ sâu từ 1.2 – 1.5 m, tiến hành gây nuôi copepods, các loài phiêu sinh động vật, giáp xác nhỏ khác (krill) và động vật thân mềm sống đáy (barnacle, giun nhiều tơ, các loài hai mảnh vỏ, và các loài động vật thân mềm sống đáy khác) bằng cách dùng cám gạo lên men với chế phẩm sinh học (probiotics). Tuy nhiên, việc sử dụng cám gạo cần chú ý một số vấn đề sau để đạt được kết quả tốt nhất:

– Không sử dụng trực tiếp cám gạo tươi chưa trải qua quá trình lên men. Cám gạo được cho vào trong chậu (bể) lớn, cho nước ao nuôi và chế phẩm sinh học (có chất lượng tốt) vào và sụt khí mạnh trong 24 – 48 giờ để hoàn tất quá trình lên men.

Cám gạo lên men với probiotics trong các bể, sau đó bón xuống ao để gây nuôi thức ăn tự nhiên

– Phải kiểm tra và chắc chắn rằng cám gạo đã lên men có pH lớn hơn 6,5 trước khi bón vào ao nuôi. Nếu pH dưới 6,5, cần phải bổ sung thêm nước vôi để nâng cao pH lên (tốt nhất là pH khoảng 6,5 – 7).

– Hỗn hợp cám gạo lên men phải được lọc bằng túi vải (khoảng 50 micron) dài (dạng giống như ống bơm nước) để loại bỏ các hạt gạo hay trấu khi đưa vào ao nuôi và thường xuyên đảo túi vải để dịch cám gạo lên men với probiotic lan tỏa khắp ao nuôi. Nên treo túi vải gần hệ thống sụt khí để dịch lên men lan tỏa đều khắp ao nuôi.

– Không nên sử dụng dịch cám gạo lên men quá 10 ppm mỗi ngày đối với ao nuôi thả tôm với mật độ tối đa 100 con/m2.

– Đối với cám gạo có chứa nhiều hạt gạo, trấu,…to cần phải được sàng qua lưới trước khi tiến hành lên men.

– Phải kiểm soát các chỉ tiêu môi trường ao nuôi như pH, oxy hòa tan (DO) và độ đục. Nếu như pH và DO giảm thấp, cần phải tạm ngưng sử dụng cám gạo lên men và kiểm tra nền đáy ao nuôi.

– Đáy ao nuôi phải được giữa sạch sẻ trong suốt quá trình nuôi. Nuôi ghép với cá rô phi được khuyến cáo để giữ môi trường đáy ao luôn sạch.



Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn

post-ads1