Nghề nuôi tôm hùm thương phẩm ở Nhơn Hải

 Xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) nổi tiếng là vựa nuôi tôm hùm lớn của tỉnh. Những năm qua, nuôi tôm hùm đã giúp nhiều hộ dân ở Nhơn Hải có của ăn của để, xây nhà, mua thêm phương tiện để đánh bắt thủy sản… Tuy nhiên, nghề này cũng không kém phần vất vả.

Nghề nuôi tôm hùm giống ở Nhơn Hải có từ khoảng từ năm 1997 đến nay, còn nghề nuôi tôm hùm thịt thương phẩm mới hình thành vào khoảng năm 2007, góp phần cải thiện đời sống của người dân trong xã những năm qua.

Năm 2014, xã Nhơn Hải có 87 hộ ngư dân đầu tư gần 22 tỉ đồng thả nuôi hơn 94 ngàn con tôm hùm giống trên 55 bè nuôi; 51 hộ ngư dân đầu tư nuôi hơn 31.000 ngàn con tôm hùm thương phẩm trên 30 bè nuôi. Trong đó, ngư dân nuôi tôm hùm thương phẩm đã xuất bán 1.800 kg tôm hùm, đạt giá trị 200 triệu đồng.

Bơi thúng đến từng lồng nuôi để bỏ thức ăn cho tôm.
Anh Đỗ Thành Được, một người nuôi tôm hùm ở thôn Hải Đông, cho biết: “Hàng ngày, người nuôi tôm phải dậy từ sớm, lấy xe vào thành phố để mua thức ăn chở về chế biến cho tôm ăn”. Thức ăn cho tôm hùm là các loại thủy hải sản ven bờ như: Cá, tôm, mực, ghẹ, cua, ốc… Thời gian nuôi từ tôm ủ (tôm giống) để thành tôm thương phẩm (tôm thịt) từ 15-18 tháng, tôm đạt trọng lượng 1kg/con trở lên mới bán được. “Khổ nhất là mùa đông biển động, không có thức ăn cho tôm, phải chạy đôn, chạy đáo mới tìm đủ” – anh Được cho biết thêm.
Anh Đoàn Ngọc Lịnh mặ đồ nhái lặn xuống biển để kiểm tra tôm.
Còn anh Đoàn Ngọc Lịnh, người nuôi tôm ở thôn Hải Nam, cũng thổ lộ: “Đều đặn mỗi ngày, bất kể nắng mưa, bọn tui đều phải cho tôm ăn. Chỉ nội thời gian chế biến thức ăn đã mất hơn tiếng đồng hồ, thêm 3-4 tiếng ngâm mình dưới biển để cho tôm ăn”.
Anh Đoàn Ngọc Lịnh lấy tôm từ lồng nuôi mang lên thuyền kiểm tra trọng lượng. Những con tôm hùm nuôi trong thời gian một năm đã đạt trọng lượng gần 1kg

Lồng nuôi tôm hùm thương phẩm là những lồng sắt có lưới bao quanh, cố định dưới mặt biển bằng những dây neo, có gắn ống phao nổi trên mặt nước để xác định vị trí. Mỗi lồng nuôi có một “ô cửa” nhỏ, khoảng 60-80 cm2, để đưa thức ăn vào cho tôm và để bắt hay thả tôm vào lồng.

Ngư dân thường cho tôm ăn vào buổi trưa hoặc chiều trong ngày. Mỗi bè nuôi thường có 2-3 người để cho tôm ăn. Nói qua thì có vẻ đơn giản nhưng việc cho tôm ăn rất vất vả. Sau khi chế biến thức ăn bằng cách băm nhỏ, cắt bỏ xương cá… người nuôi tôm phải lặn xuống biển, đưa “mồi” đến từng lồng nuôi để bỏ vào cho tôm ăn. Bên cạnh đó, người nuôi còn phải lặn vào bên trong lồng để vệ sinh lồng tôm và kiểm tra tôm…

Ngư  dân chuẩn bị đưa lồng nuôi lên bè để làm vệ sinh.

Anh Nguyễn Kim Hoàng, ở thôn Hải Đông, tâm sự: “Khổ nhất là mùa đông, trời lạnh, biển dậy sóng mà mỗi ngày phải lặn và ngâm mình dưới biển cả buổi để cho tôm ăn, rồi còn kiểm tra “sức khỏe” của tôm. Dù đã mặc đồ nhái nhưng do ngâm mình lâu dưới nước nên cái lạnh cắt da của nước biển và gió vẫn ngấm vào da. Bởi thế, chuyện nhiễm lạnh, ốm đau là thường. Nhưng mình đau không xót mấy, xót nhất là khi tôm bị bệnh chết”.

Lồng nuôi sau khi làm vệ sinh sẽ được phơi nắng cho khô lồng rồi tiếp tục đưa xuống biển để thả tôm vào nuôi.

Nghề nuôi tôm hùm không đơn giản bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường, nguồn giống, thức ăn cho tôm, đầu ra, vốn đầu tư… Ông Phạm Thành Thệ, một chủ hộ nuôi tôm hùm thương phẩm ở thôn Hải Nam, bộc bạch: “Làm nghề nuôi tôm hùm lúc nào cũng lo ngay ngáy chuyện thời tiết không thuận, rồi dịch bệnh… Nói chung là lo đủ bề. Năm nào tôm rớt giá cầm chắc lỗ vốn”.

Theo Đoàn Ngọc NhuậnBáo Điện tử Bình Định



Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn

post-ads1