Chất lượng thức ăn tôm là một nhân tố quan trọng làm nên thành công của vụ nuôi tôm nước lợ. Bảo quản và quản lý thức ăn tốt không chỉ giúp đảm bảo chất lượng thức ăn, từ đó giúp tôm tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh mà còn giảm giá thành sản xuất và tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bảo quản thức ăn đúng cách
Đối với thức ăn viên và thức ăn bổ sung, người nuôi tôm phải chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất có công bố chất lượng theo quy định, nằm trong danh mục thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, được sử dụng phổ biến và hiệu quả. Trong trường hợp sử dụng thức ăn mới thì phải kiểm tra thành phần định lượng, chất cấm có trong thức ăn nếu thấy nghi ngờ.
Khi tiếp nhận thức ăn từ đại lý, bà con nuôi tôm cần chọn những lô thức ăn viên phải còn nguyên vẹn bao bì, không bị ẩm ướt, hạn sử dụng phải còn ít nhất 30 ngày. Nhãn bao bì thức ăn phải đúng theo công bố chất lượng, lấy mẫu kiểm tra chất cấm khi nghi ngờ. Nếu tất cả các nội dung nêu trên đều đạt yêu cầu và kết quả lấy mẫu kiểm tra các chất cấm như Chloramphenicol, Nitrofurans, Aflatoxin, Desamethazone khi nghi ngờ, nếu kết quả âm tính thì nhập thức ăn vào kho.
Kho chứa thức ăn tại cơ sở nuôi tôm phải sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, ngăn chặn được động vật gây hại và không thấm dột. Thức ăn viên phải được xếp ngay ngắn, trên pallet cao tối thiểu 10 cm. Thức ăn viên được xếp theo từng mã số riêng biệt. Thức ăn bổ sung phải được xếp riêng từng loại trên pallet.
Tất cả các sản phẩm trong kho phải có nhãn hiệu, nguồn gốc rõ ràng. Các loại thức ăn phải xếp cách tường 10 cm và chừa lối đi để thuận tiện cho việc xuất nhập thức ăn. Việc xuất nhập thức ăn phải theo nguyên tắc “nhập trước – xuất trước”. Những thức ăn khi sử dụng không hết trong 1 lần phải được đóng nắp hoặc cột thật kỹ và để đúng nơi quy định.
Cho tôm ăn đảm bảo kỹ thuật
Thức ăn dùng trong nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chủ yếu là thức ăn công nghiệp có chất lượng cao (đảm bảo hàm lượng đạm thô 40 – 45%) đã qua kiểm tra chất lượng của các cơ quan có chức năng, có hệ số chuyển đổi thức ăn từ 1,2 – 1,4 trong điều kiện quản lý và cho ăn tốt. Số lần cho tôm ăn từ 3 – 5 lần/ngày phụ thuộc vào kích cỡ của tôm.
Số lần cho ăn tăng lên khi tôm càng lớn, tỷ lệ thức ăn cho tôm được tính theo tỷ lệ phần trăm so với trọng lượng thân tôm. Tôm cỡ nhỏ tỷ lệ thức ăn nhiều hơn tôm cỡ lớn vì tôm cần nhiều thức ăn để phát triển nhanh. Cách tính số lượng thức ăn hàng ngày đã được tính cụ thể trong bảng hướng dẫn cho tôm ăn do các nhà sản xuất thức ăn hướng dẫn cho người nuôi tôm nhưng chủ yếu dựa vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu thức ăn thực tế của tôm bằng cách kiểm tra sàng ăn. Khi cho tôm ăn cần phải rải đều thức ăn khắp ao.
Nếu thả tôm giống cỡ P15, trong ngày đầu của tuần thứ nhất cho tôm ăn 1,5 – 2 kg thức ăn viên cho 100.000 con P15 – P20. Sau đó mỗi ngày tăng lên 100 – 200 g. Tuần thứ hai, sau mỗi ngày tăng lên 200 – 400 g. Tuần thứ ba, sau mỗi ngày tăng lên 400 – 600 g. Tuần thứ tư, sau mỗi ngày tăng lên 600 – 800 g. Mỗi ngày cho ăn 4 lần vào các thời điểm: 6 – 7 giờ sáng, 10 – 11 giờ trưa, 17 – 18 giờ chiều và 23 – 24 giờ tối.
Tôm nuôi từ 1 tháng trở lên cần dùng vó để kiểm sức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời. Mỗi ao nên đặt từ 4 vó trở lên căn cứ vào diện tích của ao. Chọn vị trí đặt vó kiểm tra thức ăn tôm phải hợp lý để có kết quả kiểm tra chính xác. Nên đặt vó cách xa chân bờ ao 1 mét và chỉ cho thức ăn vào vó sau khi đã rải thức ăn vào ao xong, đặt vó ở vị trí sạch sẽ trong ao nuôi.