Người nuôi nên kiểm soát chặt chẽ việc cho tôm ăn vì thức ăn luôn chiếm chi phí cao nhất. Lượng thức ăn cần phải điều chỉnh phù hợp theo thời tiết và điều kiện ao nuôi.
Chi phí thức ăn trong nuôi tôm thường chiếm 50% tổng chi phí đầu tư và việc quản lý thức ăn vẫn cần phải được cải tiến. Chất thải hữu cơ, thức ăn thừa tích tụ sẽ gây ra hơn 60% các vấn đề trong ao nuôi tôm. Nếu hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) là 1:1 thì cứ cho vào ao 100 kg thức ăn sẽ có đến 70 kg chất thải (thức ăn thừa, phân tôm…). Thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao là nguyên nhân gây bùng phát khí độc, đặc biệt khi mà hàm lượng oxy giảm hoặc khi tảo phát triển quá mức. Bài viết này tập trung vào việc làm thế nào để quản lý thức ăn một cách có hiệu quả.
Nên cho ăn thừa hay thiếu
Cho ăn thừa có thể thúc đẩy tôm tăng trưởng trong giai đoạn phát triển ban đầu, đặc biệt khi chất lượng nước vẫn còn tốt. Tuy nhiên, khi chất thải hữu cơ tích tụ quá nhiều, ao nuôi sẽ quá tải, vượt qua khả năng chịu đựng. Hệ số chuyển đổi thức ăn cao khi đó sản lượng tôm thu được sẽ thấp. Vì vậy, luôn cẩn thận trong việc cho ăn, nên cho ăn thiếu cho dù tốc độc tăng trưởng hàng ngày của tôm có chậm chút ít. Giải pháp tốt nhất là cho tôm ăn theo nhu cầu, điều này đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm. Những lợi ích mang đến là tôm nuôi khoẻ mạnh và giảm được sự lo lắng cho người nuôi.
“Cho tôm ăn theo nhu cầu có nghĩa là cần phải dựa trên tập tính của con tôm. Hầu hết các sai lầm mà chúng ta mắc phải là chúng ta suy nghĩ cho tôm ăn theo cách của con người, chứ không phải con tôm.”
Thế nào là thức ăn tôm chất lượng cao
Thức ăn tôm chất lượng cao thường có các đặc tính sau:
– Đồng đều về kích thước, hình dạng và màu sắc
– Vết cắt sắc gọn
– Ít bụi
– Bề ngoài mịn
– Mùi thơm hấp dẫn
– Không rã trong nước sau 3 giờ
– Không chứa các tạp chất như mảnh thuỷ tinh, cát, nấm mốc, ẩm ướt…
– Thức ăn phải thu hút tôm bắt mồi
Chúng ta chỉ nên cho ăn khi tôm thật sự muốn ăn và ngăn ngừa sự tích tụ thức ăn thừa trong ao.
“Nhìn chung, chúng ta phải xem thức ăn như là một tài sản trước khi rải xuống ao, đồng thời cũng là một mối nguy nếu còn lại trong ao sau 3 giờ”
Tập tính ăn của tôm
Tôm sú và tôm chân trắng đều là động vật ăn thịt và rất háu ăn như các loài giáp xác khác. Nó sử dụng các giác quan là xúc giác để tìm kiếm thức ăn và cần khoáng chất để tăng trưởng, pH phù hợp giúp máu tuần hoàn và tiêu hoá tốt. Môi trường sống ảnh hưởng đến cơ thể tôm như: sự thèm ăn, quá trình trao đổi chất, hoạt động lột xác, sự tiêu hoá và hệ thống miễn dịch. Việc cho tôm ăn cần phải được cân nhắc dựa trên đặc điểm của tôm như đường ruột ngắn, vận động liên tục và tập tính hung hãn bắt mồi.
Cho ăn tùy thuộc vào môi trường ao
Một vài yếu tố môi trường nước ao nuôi có ảnh hưởng đến việc cho tôm ăn. Trong đó, lượng oxy hoà tan và nhiệt độ nước là hai yếu tố chính cần được quan tâm. Tôm giảm ăn khi hàm lượng oxy hoà tan thấp hơn 4 ppm và ngưng ăn khi thấp hơn 2 ppm. Nhiệt độ nước thích hợp nhất là 28 – 30oC. Mỗi khi nhiệt độ giảm đi khoảng 2oC thì lượng thức ăn nên giảm khoảng 30% so với lượng thức ăn trung bình. Nên kiểm tra nhiệt độ nước trong ao trước khi cho tôm ăn. Nếu hàm lượng oxy hoà tan và nhiệt độ nước chưa thích hợp thì cần chờ ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao ít nhất 1 giờ rồi mới cho tôm ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày. Lúc này hàm lượng oxy hoà tan là lý tưởng nhất.
Ảnh hưởng của nhiệt độ cao
Thời gian mà thức ăn nằm trong ruột tôm sẽ thay đổi theo nhiệt độ nước ao. Khi nhiệt độ nước tăng cao, tôm sẽ ăn nhanh hơn và cũng sẽ bài tiết nhanh hơn so với nhiệt độ thấp. Người nuôi cần kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn bằng cách cho ăn theo bảng hướng dẫn vào mùa hè và nên kéo dài khoảng cách giữa các lần cho ăn vào mùa lạnh.
Dòng nước chảy
Do tôm thường bơi ngược dòng nước, người nuôi cần rải thức ăn theo dòng nước chảy. Tôm sẽ di chuyển dọc khu vực cho ăn khá rộng, thức ăn cần được rải đều và mỏng tại các khu vực cho ăn này. Điều này là hợp lý để tránh rải một lượng lớn thức ăn trong một khu vực nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cỡ tôm không đồng đều. Việc cho ăn đúng cách sẽ giúp cho hệ số chuyển đổi thức ăn thấp và đồng thời có được chất lượng nước tốt.
Khu vực cho ăn
Ở Thái Lan, người nuôi điều khiển dòng nước chảy bằng máy quạt nước để gom chất thải vào giữa ao. Khu vực chất thải này được đánh dấu bằng tre hoặc phao. Điều này sẽ giúp người nuôi không rải thức ăn vào nơi có chất thải hoặc khí độc. Nên tránh rải thức ăn vào nơi nước chảy yếu, nơi có nền đáy ao không được sạch.
Nhá (sàn, vó) cho ăn
Khi thức ăn không còn trong nhá, điều đó không hoàn toàn có nghĩa là tôm ăn tốt. Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy “điều bất thường” và cần phải được tìm hiểu cặn kẽ. Không phải lúc nào cũng cho tôm ăn theo nhu cầu đúng từng giai đoạn phát triển, mà còn tuỳ thuộc vào tình hình biến động khác (sức khoẻ tôm, thời tiết, môi trường nước…).
Quạt nước khi cho ăn
Trong tháng nuôi đầu tiên, người nuôi nên dừng quạt nước trong khi cho tôm ăn. Tuy nhiên, sau một tháng nuôi, nên duy trì quạt nước trong lúc cho tôm ăn, đặc biệt trường hợp nước trong (không hay ít có tảo) hoặc đục (nhiều chất rắn lơ lửng) hoặc trong ngày có nhiều mây mù. Oxy hoà tan trong ao có được từ 2 nguồn chủ yếu là máy quạt nước và sự quang hợp của tảo. Trường hợp tảo không phát triển, chỉ cần ngưng quạt nước trong 30 phút là tôm suy yếu và có thể dẫn đến chết.
Người nuôi nên đặt nhá chứa thức ăn được trộn với khoáng chất và vitamin tại vùng rìa của khu vực chất thải nhằm kiểm tra tôm yếu và cũng giúp cho tôm yếu phục hồi sức khoẻ. Đây gọi là “phòng hồi sức cho tôm”. Tôm yếu thường tránh những con khoẻ mạnh bằng cách trú tại khu vực không có sự cạnh tranh, đó là khu vực chất thải.
Cho ăn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của tôm
Hạn chế cho ăn hoặc bỏ qua các lần cho ăn sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, ngược lại giúp giữ chất lượng nước tốt. Tại Thái Lan, nhiều người nuôi cho tôm ăn 3,5 bữa trong một ngày. Bữa ăn cuối trong ngày (vào ban đêm) chỉ bằng 30 – 50% so với lượng trung bình, với phương châm: “Tôm không chết do đói mà chết do thừa thức ăn”. Người nuôi cần chú ý, thận trọng kiểm tra và xác định các trường hợp cụ thể để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp trước khi tôm mất đi sự thèm ăn và thức ăn thừa gây ô nhiễm ao nuôi.
Bảng 1: Một số tình huống mà người nuôi cần giám sát chặt chẽ việc cho ăn
TT | Trường hợp | Tỉ lệ % so với xuất ăn bình thường |
1 | Mưa trong thời gian cho ăn | 50% hoặc đợi sau khi hết mưa |
2 | Tảo phát triển dày đặc | 70% trong 3 ngày hoặc cho đến khi tảo giảm |
3 | Tôm đang lột xác (pH = 8 – 9) | 30% vào buổi chiều, 50% vào buổi tối và 110% vào buổi sáng |
4 | Tôm đang lột xác (pH < 8) | 80 – 90% |
5 | Trời có gió nhiều | 60% |
6 | Tảo tàn | 50% cho đến khi môi trường được làm sạch bằng quạt khí mạnh và sử dụng vi sinh tốt |
7 | Thay nước ít (các thông số môi trường có sự khác biệt nhỏ) | 80% cho 2 bữa ăn |
8 | Thay nước nhiều (các thông số môi trường có sự biến đổi lớn) | 50% trong 1 ngày |
9 | Sử dụng một vài hoá chất | 0% cho 1 bữa ăn (nhịn ăn 1 bữa) |
10 | Oxy thấp và tôm nổi đầu vào buổi sáng | 0% trong 1 ngày |
11 | Có xuất hiện khí độc | 60 – 70% cho đến khi khí độc giảm |
12 | Thời tiết thay đổi lớn | 70 – 80% cho đến khi thời tiết ổn định |
13 | Nhiệt độ nước ở 22oC hoặc 35oC | Ngưng cho ăn đến khi nhiệt độ nước phù hợp |
Sử dụng bảng hướng dẫn cho ăn
Vài năm trước, người nuôi thường tính toán lượng thức ăn dựa vào việc kiểm tra nhá. Gần đây dựa trên các dữ liệu thống kê, đã chuyển sang sử dụng bảng hướng dẫn sử dụng thức ăn. Tuy nhiên, điều chỉnh thức ăn dựa trên nhá vẫn rất cần thiết, và lượng thức ăn tối đa thì nên dựa vào bảng hướng dẫn cho ăn.
Bảng hướng dẫn cho ăn giúp có được cái nhìn tổng quan về nhu cầu thức ăn và tốc độ tăng trưởng của tôm. Hầu hết những người nuôi tôm Thái Lan đều sử dụng bảng hướng dẫn này để giới hạn mức cho ăn tối đa. Việc này đòi hỏi người nuôi biết được chính xác có bao nhiêu tôm trong ao và khu vực nào sạch để cho ăn (nơi có đầy đủ oxy nhờ quạt nước hoặc có dòng chảy tốt). Tóm lại, người nuôi nên điều chỉnh thức ăn dựa vào bảng hướng dẫn cho ăn, nhưng vẫn theo dõi sức ăn tôm thông qua kiểm tra nhá.
Một số người nuôi thì cố gắng tự lập bảng cho ăn sao cho phù hợp với điều kiện ao nuôi của mình như tính chất nền đáy, các yếu tố môi trường nước, khí hậu, nguồn con giống… Nhìn chung, lượng thức ăn hợp lý nên bằng 80 – 90% so với bảng hướng dẫn cho ăn. Khi sử dụng bảng cho ăn này, người nuôi có thể tính được tốc độ tăng trưởng ngày, khối lượng tôm trong ao, tỷ lệ sống và các vấn đề khác. Ngoài ra, mỗi trại nuôi cũng nên có ít nhất một người biết sử dụng thông tin này để kiểm soát lượng thức ăn cùng với việc quan sát nhá cho ăn.
Sử dụng nhá (sàn, vó) để điều chỉnh lượng thức ăn
Nhá được đặt tại nơi thuận lợi trong khu vực cho ăn, người nuôi sẽ cho một lượng lớn thức ăn để thu hút tôm. Nếu thấy thức ăn hết sạch trong thời gian cụ thể, lượng thức ăn phải tăng lên hoặc được giữ nguyên.
Tuy nhiên, những trường hợp sau đây cho thấy thỉnh thoảng sai lầm vẫn xảy ra khi các nhá được sử dụng không đúng cách, dẫn đến kết quả không chính xác.
– Khi chất thải lan rộng đến khu vực cho ăn, tôm có xu hướng ăn hết thức ăn có trong nhá trước khi tìm kiếm thức ăn trong khu vực có chất thải.
– Đặt nhá sai vị trí, nơi có dòng nước yếu hoặc quá mạnh (thức ăn có thể bị cuốn trôi theo dòng nước).
– Hạ hoặc nâng nhá quá nhanh có thể làm dạt thức ăn ra ngoài.
Hướng dẫn sử dụng nhá (sàn, vó)
Vị trí thích hợp để đặt nhá là chổ bằng phẳng, như trên nền đáy ao có dòng nước nhẹ. Thả nhá nhẹ nhàng, xuôi theo dòng nước tạo thành góc 15 độ so với mặt nước ao. Kích thước nhá khoảng 0,4 – 0,6 m2, với chiều cao gờ là 8 – 10 cm, tốt nhất là nên có bốn chân nhá dài 5 cm. Nhá được hạ xuống hoặc nâng lên một cách nhẹ nhàng và trong điều kiện nắng gắt thì không nâng nhá lên khỏi mặt nước.
Những điều cần chú ý
Nhá cho ăn sẽ cho biết những điều sau: Nếu còn thức ăn thì lượng thức ăn cho bữa kế tiếp nên giảm khoảng 10% với điều kiện là thời tiết và các yếu tố khác không thay đổi; Nếu trong nhá không còn thức ăn và có vài con tôm thì lượng thức ăn nên được duy trì; Nếu trong nhá không còn thức ăn và có ít hay không có tôm thì lượng thức ăn cho lần ăn kế tiếp tăng khoảng 5% cũng với điều kiện là thời tiết và các yếu tố môi trường không thay đổi.
Số liệu thống kê cho thấy lượng thức ăn đạt tối đa là 42 kg/100.000 tôm đến khi tôm đạt kích cỡ 80 – 100 con/kg. Từ 80 con/kg trở về sau, thức ăn cần được duy trì ở mức này. Nên giảm 5% lượng thức ăn khi tôm vượt kích cỡ 50 con/kg. Dấu hiệu nhận biết của việc cho ăn thừa là tảo phát triển quá mức (màu đậm, độ trong dưới 20 cm) hoặc hàm lượng khí ammonia (NH3) tăng cao. Khi điều này xảy ra, giải pháp hiệu quả nhất là giảm lượng thức ăn.