Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm “không kháng sinh”

Nuôi tôm không kháng sinh, đảm bảo an toàn dù là phương án còn khá mới, song được nhiều hộ nuôi tôm ứng dụng bởi bước đầu cho thấy tín hiệu tốt, đảm bảo được chất lượng, sản lượng và mức thu nhập khả quan.


Hiện nay, mô hình nuôi tôm không kháng sinh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại enzyme (EM) được chế biến từ tỏi cho thấy hiệu quả cao.

Chị Nguyễn Thị Thuỷ, một hộ nuôi ở huyện Tiền Hải, Thái Bình đã ứng dụng thành công mô hình này. Rút kinh nghiệm từ thực tiễn nghề nuôi tôm ở địa phương, chị Thuỷ đã tích cực tìm đọc các tài liệu về khoa học kỹ thuật với quyết tâm để đàn tôm trong ao phát triển khoẻ mạnh, an toàn và sạch bệnh. Chị tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Đoàn thanh niên huyện tổ chức, sau đó mạnh dạn áp dụng những kiến thức được tập huấn vào quá trình nuôi tôm của gia đình trên diện tích 3.5ha, được chia làm 3 ao nuôi nhỏ, lắp đặt riêng biệt hệ thống xử lý chất thải, lắng lọc và hệ thống chế biến chế phẩm từ tỏi để nuôi tôm.

Tại sao lại sử dụng tỏi vào quá trình này? Theo người nuôi tôm, enzyme tỏi được sản xuất từ EM gốc ngâm ủ với bột tỏi, là một chế phẩm  sinh học với hơn 80 loại vi sinh vật có ích thuộc nhóm vi khuẩn lactic, vi khuẩn quang hợp và vi khuẩn nấm men. Để tăng hiệu quả trong nuôi tôm, EM thường được kết hợp với rượu và nước mía ngâm ủ yếm khí trong 2 ngày. Sau thời gian trên, trộn hỗn hợp chế phẩm này với tỏi nhuyễn rồi ngâm ủ trong 1 tuần để tạo ra EM tỏi cho tôm ăn.

Sau thời gian sử dụng EM tỏi, đàn tôm trong ao có sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh, năng suất tôm tăng đáng kể và nhất là tôm khi thu hoạch hoàn toàn không có tồn dư kháng sinh, an toàn, sạch bệnh.

Chị Thuỷ chia sẻ năm 2017, ao tôm đạt sản lượng 4 tấn, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng, Năm 2018, chị tiếp tục tăng mật độ nuôi, sau 3 lứa tôm chị Thuỷ thu hoạch gần 10 tấn, doanh thu gần 1 tỷ đồng.

Cũng tại huyện Tiền Hải, Thái Bình có rất nhiều hộ nông dân nuôi tôm với tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước lợ và nước ngọt của huyện hơn 3100ha, trong đó xã Nam Phú chiếm diện tích lớn nhất với hơn 1000 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Song, do thói quen sản xuất, hiện nay, người dân chủ yếu nuôi tôm quảng canh và bán thâm canh kết hợp với nuôi cua, cá và trồng rong câu. Chính vì thế, con tôm thường bị bệnh còi cọc do nhiễm MBV, bệnh mềm vỏ, đốm trắng, đỏ thân và hội chứng chết sớm,. Trước thực trạng này, nuôi tôm mô hình “không kháng sinh” là hướng đi đột phá, mở ra cơ hội lớn cho nghề nuôi tôm ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chuyển, phó Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết, mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học EM tỏi thay thế kháng sinh cho thấy hiệu quả thiết thực, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tồn dư kháng sinh trong con tôm thành phẩm. Đây sẽ là cách làm mới giúp các hộ nuôi tôm trong xã áp dụng để làm giàu từ nghề nuôi tôm truyền thống của quê hương.


Theo Người Nuôi Tôm

Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn

post-ads1