Chế phẩm sinh học(men vi sinh) là những sản phẩm thông qua nghiên cứu thực nghiệm mà được điều chế, chiết xuất từ những thành phần nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, chúng có nguồn gốc từ thực vật (rong, rêu, tảo...), động vật (giun quế, công trùng...), vi sinh vật... Các sản phẩm này có độ an toàn cao, thân thiện với con người và môi trường, không độc hại cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản, xử lý môi trường.
Các "Chế phẩm sinh học(men vi sinh)" được sản xuất phục vụ trong canh tác Nông Nghiệp mà chúng ta có thể hay gặp như: Phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học phục vụ cho trồng trọt; đệm lót sinh học, men ủ vi sinh phục vụ cho chăn nuôi; các chế phẩm bổ sung vi sinh vật có lợi cho nguồn nước, thức ăn vi sinh dùng cho nuôi trồng thủy sản; chế phẩm vi sinh, thảo mộc giúp xử lý chất thải môi trường...
Các chủng vi sinh vật có trong Chế phẩm sinh học(men vi sinh):
- Nhóm 1: Các vi sinh vật sống như vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus, Lactobacillus,… thường được trộn vào thức ăn để kích thích tiêu hoá, tăng trưởng nhanh,…
- Nhóm 2: Các vi sinh vật đối kháng, cạnh tranh thức ăn với vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn Trichoderma, Bacillus spp và được dùng trong xử lý các chất thải hữu cơ và các khí độc trong môi trường ao nuôi.
- Nhóm 3: Các vi sinh vật cải thiện chất lượng môi trường như vi khuẩn Nitrosomonas sp, Nitrobacter… Được dùng trong xử lý nước ao nuôi và nền đáy.
Cơ chế tác động của Chế phẩm sinh học(men vi sinh) trên vật nuôi:
- Cạnh tranh loại trừ vi khuẩn gây bệnh: Chế phẩm sinh học có khả năng bám dính và xâm chiếm bề mặt niêm mạc ruột, do vậy tạo ra cơ chế bảo vệ chống lại các mầm bệnh qua việc cạnh tranh điểm bám và thức ăn.
- Tạo ra các hoạt chất ức chế: Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh các dòng chế phẩm sinh học sản sinh ra các chất diệt khuẩn chống lại các mầm bệnh thông thường trên vật nuôi.
- Tăng cường hệ miễn dịch của vật nuôi: Các chế phẩm sinh học có thể kích thích hệ miễn dịch của vật nuôi. Các chất kích thích miễn dịch khác nhau tuỳ theo môi trường và cách sử dụng.
- Các chất dẫn xuất nhất định như polysaccharides, lipoproteins,….có khả năng làm tăng bạch huyết cầu bằng cách kích hoạt đại thực bào. Việc sử dụng Bacillus đã được chứng minh có hiệu quả trong việc phòng bệnh trên vật nuôi bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch và có hệ miễn dịch tế bào trong tôm sú.
*Vai trò của Chế phẩm sinh học(men vi sinh) trên vật nuôi:
» Tăng cường đề kháng và ngăn chặn mầm bệnh:
- Chế phẩm sinh học chứa các chủng vi sinh vật đối kháng, có khả năng ức chế, ngăn chặn các vi khuẩn gây bệnh trên cây trồng vật nuôi.
- Chế phấm sinh học chứa các vi khuẩn có lợi, có khả năng cạnh tranh vị trí bám vào thức ăn trong thành ruột với các vi sinh vật gây bệnh, không cho phép các vi sinh vật này bám vào cơ thể vật nuôi, nhờ vậy giúp ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khoẻ cho vật nuôi.
- Sử dụng chế phẩm sinh học là một phương pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn mầm bệnh và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản nên hạn chế được việc sử dụng thuốc kháng sinh.
» Cải thiện hệ tiêu hoá:
- Chế phẩm sinh học là nguồn dinh dưỡng và enzyme cho bộ máy tiêu hoá của các vật nuôi. Chế phẩm sinh học sản xuất ra các en-zim ngoại bào như: as protease, amilaza, lipaza,… và cung cấp các dưỡng chất phát triển cần thiết như vitamin, axit béo, axit amin…
- Trong chăn nuôi thủy sản, các vi khuẩn vi sinh như bacteroides và clostridium sp cung cấp dinh dưỡng cho cá, đặc biệt là cung cấp các axit béo và vitamin.
- Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể tham gia vào quá trình tiêu hoá của động vật hai mảnh vỏ bằng cách sản xuất ra các enzyme ngoại bào như protease, amilaza, lipaza và cung cấp dưỡng chất phát triển cần thiết như vitamin, axit béo, axit amin.
Mục đích của việc sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh chăn nuôi:
- Ổn định chất lượng nước, đáy ao.
- Phân giải khí độc được tạo thành từ nền đáy ao trong quá trình nuôi.
- Cải thiện tiêu hóa trong đường ruột tôm, cá .
- Hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại, giảm cơ hội gây bệnh cho vật nuôi.
- Phân giải chất hữu cơ tích tụ nền đáy ao.
Do đó, sử dụng men vi sinh có tác dụng phòng bệnh, tăng tỉ lệ sống, nâng cao năng suất ao nuôi. Hơn thế nữa, sử dụng men vi sinh để quản lý nuôi còn có tác dụng hạn chế việc sử dụng hóa chất bừa bãi, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Các loại vi khuẩn có trong chế phẩm sinh học,men vi sinh và đặc điểm của chúng:
1. Lactobacillus là nhóm vi khuẩn yếm khí tuỳ nghi, có khả năng phân giải bột đường thành axit hữu cơ. Thích hợp trong sản xuất giống thủy sản vì chúng có tác dụng hiệu quả trong sản xuất thức ăn sống và nuôi ấu trùng làm thức ăn cho tôm, cá giống. Nhóm này nhạy cảm với nhiệt độ cao.
2. Bacillus là nhóm vi khuẩn yếm khí. Do đó ít tiêu hao oxy trong ao khi sử dụng. Thích hợp sử dụng trong ao và trộn vào thức ăn. Nhóm này chịu nhiệt cao, thuận lợi trong quá trình chế biến thức ăn viên.
3. Nitrobacter, Nitrosomonas là nhóm vi khuẩn hiếu khí. Khi sử dụng sẽ tiêu hao nhiều oxy trong ao. Do đó, cần cung cấp đủ oxy để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi và tăng hiệu quả hoạt động của men vi sinh. Đây là các vi khuẩn giúp biển đổi các khí độc NH3 thành sản phẩm ít độc NO3 qua quá trình nitrate hoá.
4. Nhóm vi khuẩn Vibrio có lợi: giống Vibrio có rất nhiều loài, trong đó có loài có lợi cho môi trường, vô hại đối với vật nuôi, nhưng cũng có loài là vi khuẩn gây bệnh phổ biến cho động vật thủy sản. Sử dụng chế phẩm sinh học chứa các loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio có lợi nhằm cạnh tranh về số lượng với các loài Vibrio gây bệnh, hạn chế hoặc triệt tiêu cơ hội gây bệnh cho các loài Vi khuẩn gây bệnh hiện có trong ao.
5. Nấm men có thể bám và phát triển tốt trên thành ruột, chịu được nhiệt độ cao trong công nghệ ép viên thức ăn, thích hợp với phương pháp sử dụng trộn vào thức ăn.
Tác dụng của men vi sinh dùng trong thủy sản:
1. Trong nước
- Các vi khuẩn có lợi trực tiếp tham gia quá trình phân giải chất hữu cơ hoặc tiếp tục oxy hóa các sản phẩm độc hại do vi khuẩn có hại tạo ra thành các sản phẩm vô hại, giúp cải thiện chất lượng nước và nền đáy ao.
- Các vi khuẩn có lợi cạnh tranh môi trường sống làm giảm số lượng vi khuẩn có hại. Nhóm vi khuẩn có hại trong nước có thể là các vi khuẩn gây bệnh hoặc là các vi khuẩn tham gia quá trình phân giải chất hữu cơ tạo sản phẩm độc hại (NH3, NO2, H2S).
2. Trong ruột tôm, cá khi được cung cấp qua đường thức ăn
Tương tự như trong nước, trong ruột, các vi khuẩn có lợi cũng có tác dụng cạnh trạnh để giảm dần số lượng vi khuẩn có hại gây bệnh đường ruột cho tôm, cá. Ngoài ra một số kết quả nghiên cứu cho thấy có một số loài vi khuẩn chứa trong men vi sinh có khả năng tham gia các chu trình biến dưỡng tạo vitamin tăng cường dinh dưỡng cho động vật nuôi.
*Cách lựa chọn loại men vi sinh,chế phẩm sinh học chất lượng:
-Men vi tốt thường có các tiêu chí như sau:mịn,đồng màu và thường có mùi chua.
-Khi ủ men vi sinh lên sinh khối thì thường có pH trên 4 do các vi khuẩn vi sinh có lợi tiết ra enzim làm giảm pH ,nếu đo sinh khối men vi sinh có pH 7-8 thì men vi sinh đó loại kém chất lượng.
-Sinh khối được ủ với đường mật mía hay mật rỉ đường thì sau thời gian ủ màu nâu sậm của đường sẽ chuyển hóa sang màu nhạt hơn.
-Nên chọn những men vi sinh có thành phần riêng chứ không phải dạng tổng hợp nhiều nhóm men vi sinh vì mỗi nhóm vi khuẩn có trong vi sinh đều sống và hoạt trong môi trường khác nhau. Nếu chọn nhiều nhóm vi khuẩn chứa trong một loại vi sinh thì lúc chúng ta ủ sinh khối đem lại tác dụng không hiệu quả.
VD: chọn men vi sinh chỉ chứa nhóm bacillus,lactobacillus hoặc chỉ chứa nitrobater hoặc nitrosomonas. Tránh chọn men vi sinh chứa nhiều loại gồm bacillus,lactobacillus,nitrobacter,nitrosomonas,... trong một hỗn hợp.
-Mọi người cần phân biệt loại chế phẩm sinh học,men vi sinh dùng để xử lí nước hay dùng để bổ sung vào thức ăn tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tránh nhầm lẫn.Thông thường thì người ta đặt tên "Chế phẩm sinh học" dùng để xử lí nước và tên "Men vi sinh" là để đưa vào đường ruột tôm.Nên nhớ rằng men vi sinh khác biệt hoàn toàn với men tiêu hóa.
Hiện nay có nhiều nơi sản xuất làm giả men vi sinh bằng cách dùng thành phần kháng sinh hay chất diệt khuẩn có tác dụng tương tự như men vi sinh để đánh tráo người nuôi thủy sản. Vì vậy khi chọn men vi sinh thì bà con cần cân nhắc kĩ lưỡng và nên chọn những thương hiệu uy tính,nổi tiếng.
Tuy nhiên sử dụng chế phẩm sinh học(men vi sinh) cần lưu ý:
- Trước và sau khi sử dụng chế phẩm sinh học, không được sử dụng các hóa chất sát trùng nước cũng như các thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn.
- Cần sử dụng lặp lại nhiều lần.
- Chú ý hàm lượng oxy hoà tan trong ao trong quá trình sử dụng.
- Sản phẩm men vi sinh (chế phẩm sinh học) đạt chất lượng là sản phẩm có hiệu quả tại nhiều vùng nuôi khác nhau và hiệu quả qua nhiều vụ nuôi.
- Men vi sinh chỉ có tác dụng làm sạch môi trường tạo môi trường có lợi cho động vật thủy sản phát triển với tốc độ chậm.Ức chế vi khuẩn gây bệnh trên vật nuôi chứ không có tác dụng diệt khuẩn gây bệnh.Nói chung dùng men vi sinh là phòng bệnh vật nuôi chứ không thể chữa bệnh.
- Một khi vật nuôi đã nhiễm bệnh nặng,số lượng vi khuẩn trên vật nuôi và môi trường rất cao thì lúc này men vi sinh không thể diệt trừ hết nhanh chóng và hầu như mất tác dụng.Khi vật nuôi thủy sản đã nhiễm bệnh rồi thì mọi người cũng phải dùng thuốc để trị bệnh.
- Nếu môi trường nước nuôi thủy sản có nhiều vi khuẩn có hại và phát triển với số lượng dày đặc thì phương pháp nhanh nhất để tránh vi khuẩn gây bệnh trên vật nuôi là dùng các loại hóa chất để diệt khuẩn chứ dùng men vi sinh thì không hết ngay được do tác dụng của men vi sinh rất chậm.