Cua bột sản xuất từ các trại sản xuất giống có kích thước nhỏ được gọi là cua hạt tiêu. Cua bột với kích thước nhỏ nên mua về thả nuôi sẽ có tỷ lệ hao hụt cao. Để hạn chế hao hụt, người dân khi mua cua bột về nuôi nên qua một giai đoạn ương cua trong gièo.
1. Chọn cua bột:
– Chất lượng cua đồng đều, khỏe mạnh không bệnh, màu sắc tự nhiên, đầy đủ các phụ bộ.
– Kích cỡ cua bột trung bình có chiều rộng giáp đầu ngực 3 mm.
2. Vận chuyển cua bột:
Áp dụng phương pháp vận chuyển hở.
Trước khi vận chuyển cua bột, các yếu tố môi trường được theo dõi và điều chỉnh trước tại trại sản xuất cho phù hợp với môi trường đầm ương.
– Sử dụng khay (kích thước 30 x 20 x 5 cm) bên trong trải khăn ướt, sau đó xếp đều cua giống lên, bên trên phủ đều một lớp cỏ tươi.
– Sắp xếp các khay ngăn nắp vào thùng xốp, tránh tình trạng các khay nghiêng.
– Mỗi khay được vận chuyển 1.000 con cua bột.
3. Chuẩn bị gièo và thả cua ương:
– Sử dụng lưới (kích thước mắt lưới 2a = 1,5mm) may thành gièo ương, mỗi gièo có diện tích 30-40m2. Chiều cao của gièo khoảng 1,6-1,8m.
– Gièo được cắm nơi có độ sâu mực nước đảm bảo 1,0 – 1,2m.
– Đáy gièo tiếp xúc với đáy mương và được phủ một lớp bùn mỏng 0,5cm để cua dễ trú ẩn, vùi mình lột xác.
– Thành gièo cao hơn mực nước ương 60cm (so với mực nước cao nhất).
– Bên trong gièo bỏ lá dừa khô để làm nơi trú ẩn của cua nhằm tăng tỷ lệ sống trong giai đoạn ương.
– Sau khi vận chuyển, cua bột được thả ương trong gièo đặt sẵn trong ao. Thời gian thả vào buổi sáng 7 – 8 giờ.
– Mật độ ương khoảng 25-30 con/m2 là tốt nhất. Trong trường hợp ương với mật độ dày hơn thì tỷ lệ hao hụt sẽ cao.
4. Phương pháp cho cua bột ăn:
– Thức ăn đảm bảo chất lượng, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cua.
– Thức ăn sử dụng cho giai đoạn ương từ cua bột lên cua giống có thể là thịt nghêu, vọp hoặc cá.
– Thức ăn được băm nhuyễn, hấp chín rồi hòa vào nước rải đều khắp mặt gièo.
– Hàng ngày cho cua ăn hai lần vào lúc 6g và 17g.
– Lượng thức ăn hàng ngày được tăng dần từ ngày nuôi thứ 1 đến ngày thứ 20, trung bình 40-100 g/1.000 con/ngày.
5. Quản lý môi trường nước:
Môi trường nước ương cua cần lưu ý một số yếu tố sau:
– Độ mặn: độ mặn từ 10-25‰. Tuy nhiên nếu độ mặn của ao ương thấp cần phải thuần hóa trước khi thả ương.
– pH của ao ương từ 7,5-8,0 là tốt nhất.
– Nhiệt độ của nước khoảng 28-30oC là phù hợp, trong điều kiện nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp thì cua sẽ chậm lớn.
6. Kết quả:
Ương cua sau 15 đến 20 ngày có thể chuyển ra ao nuôi.
– Ương 15 ngày: đạt kích thước 12mm, tỷ lệ sống khoảng 70%.
– Ương 20 ngày: đạt kích thước 13mm, tỷ lệ sống khoảng 60%.