Hệ thống ao nuôi có mái che và lót bạt đáy, phù hợp lý tưởng cho công nghệ biofloc. Nguồn: Khoo Eng Wah/Sepang Today Aquaculture Centre.
Đây là bài viết được tổng hợp dựa trên các cuộc phỏng vấn của Thefishsite với các nhà sản xuất thủy sản hàng đầu sử dụng công nghệ biofloc để đưa ra 10 bước đơn giản, thực tế giúp người nuôi kết hợp các nguyên tắc của hệ thống biofloc trong hoạt động nuôi tôm/cá của mình.
Thức ăn, hệ thống lọc và trang thiết bị hệ thống là các yếu tố chiếm sự đầu tư lớn trong nuôi trồng thủy sản. Với chi phí sản xuất tăng liên tục, nông dân và các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm những cách khác để sử dụng ít tài nguyên hơn mà vẫn sản xuất được nhiều tôm/cá hơn.
Ban đầu công nghệ biofloc hình thành như một biện pháp tự nhiên để làm sạch nước, ngày nay đã trở nên phổ biến ngoài việc làm sạch nước nuôi tôm/cá với chi phí thấp đồng thời cung cấp thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho vật nuôi.
Bằng cách tái chế protein, hệ thống biofloc khắc phục mối lo ngại liên quan đến mật độ thả cao, chất lượng nước suy giảm và nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong các hệ thống canh tác truyền thống, chỉ có khoảng 25% hàm lượng protein của thức ăn thực sự được tiêu thụ bởi các loài tôm/cá nuôi. Bằng cách chuyển hóa nitơ vô cơ thành protein trong sinh khối vi sinh vật, hệ thống biofloc có thể tăng gấp đôi % hàm lượng protein được tiêu thụ bởi tôm cá giúp tiết kiệm số tiền lớn cho nông dân. Hệ thống biofloc làm giảm sự lây lan của mầm bệnh đồng thời cải thiện sức khỏe của tôm/cá thông qua chất lượng nước tốt hơn và thức ăn tự nhiên.
10 bước để nuôi tôm cá trong hệ thống biofloc
Bước 1: Xây dựng bể hoặc ao
Mặc dù có thể chuyển đổi ao cá truyền thống sang hệ thống biofloc mà không cần lớp lót đáy ao tuy nhiên đó là một nhiệm vụ đầy thách thức. Vi khuẩn, khoáng chất và kim loại nặng có trong đất dễ dàng ảnh hưởng đến các thông số của nước ao và các quá trình tự nhiên trong hệ thống biofloc.
Như Khoo Eng Wah, giám đốc điều hành của Trung tâm nuôi trồng thủy sản Sepang Today (STAC) ở Malaysia giải thích: Đối với những người mới ứng dụng biofloc, tốt nhất là bắt đầu với ao lót bạt, ao bê tông hoặc bể trong nhà để đất không ảnh hưởng đến các thông số nước hoặc quá trình biofloc. Ở hầu hết các nước nhiệt đới, hệ thống trong nhà có lợi thế hơn ngoài trời, nhất là khi trải qua một cơn mưa lớn làm độ kiềm và pH thay đổi đột ngột. Ao có mái che là lựa chọn tốt.
Hình 2: Tômthẻ là một loài rất phù hợp cho các hệ thống biofloc. Khoo Eng Wah/Sepang Today Aquaculture Centre.
Hệ thống biofloc cũng có thể sử dụng bể trong nhà hoặc mương, nhưng không có sự hiện diện của ánh sáng mặt trời tảo sẽ không phát triển đầy đủ hoặc hoàn toàn không phát triển - tạo ra một hệ thống biofloc chỉ dựa trên vi khuẩn.
Nếu bạn sử dụng ao lớn, nên đặt ống thoát nước dưới đáy giữa ao để thỉnh thoảng loại bỏ bùn thải. Điều này đặc biệt quan trọng khi bổ sung carbohydrate một cách thường xuyên. Tùy chọn thứ hai là sử dụng lò phản ứng biofloc để tăng tốc chuyển đổi bùn ao thành flocs.
Bước 2: Sục khí
Sau khi đã xây dựng xong hệ thống ao nuôi, đã đến lúc làm việc với hệ thống sục khí. Biofloc yêu cầu chuyển động liên tục để duy trì mức oxy cao và để giữ cho chất rắn không lắng xuống. Các khu vực không có chuyển động sẽ nhanh chóng mất oxy và biến thành các khu vực kỵ khí giải phóng một lượng lớn amoniac (NH3) và metan (CH4).
Máy sục khí kiểu bánh xe quạt nước.
Để ngăn chặn điều này, mỗi ao, bể hoặc mương thì các thiết bị sục khí phải được bố trí hợp lý. Ao thường sử dụng thiết bị sục khí kiểu bánh xe quạt nước (paddlewheel aerators). Các hệ thống biofloc cần tới 6mg oxy/lít mỗi giờ và nên bắt đầu với máy sục khí ít nhất 30 mã lực/mỗi ha. Nhưng, tùy thuộc vào cường độ và năng suất của hệ thống, con số này có thể đạt tới 200 mã lực mỗi ha.
Máy sục khí nên được lắp đặt một cách hợp lý để tạo ra dòng chảy trong ao. Cần thường xuyên di chuyển một số thiết bị sục khí để đảm bảo các hạt rắn sẽ không lắng xuống ở những khu vực có ít hoặc không có dòng chảy.
Bước 3: Nuôi cấy vi khuẩn có lợi trước
Để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống biofloc và ổn định ao của bạn nhanh hơn, nên nuôi cấy vi khuẩn có lợi trước khi thả tôm. Điều này có thể được thực hiện bằng cách thêm một số chủng vi sinh thương mại hoặc công thức tự làm vào nước nuôi. Một công thức tự chế đơn giản để nhanh chóng sản xuất các vi khuẩn sinh học và prebiotic là sử dụng cám gạo và Red Cap 48 (một sản phẩm địa phương từ Đông Nam Á) trộn trong một cái thùng kín và để lên men trong 48 giờ, sau đó hỗn hợp có thể được thêm vào ao.
Bước 4: Chọn loài và mật độ thả
Nên lựa chọn loài nuôi có lợi nhất từ các protein bổ sung được tạo ra trong hệ thống, bằng cách tiêu hóa bioflocs. Cả tôm và cá rô phi đều là những ứng cử viên xuất sắc, khi chúng sử dụng bioflocs làm thức ăn, nhờ đó cải thiện đáng kể hiệu quả cho ăn và FCR trong hoạt động nuôi của bạn.
Tại STAC ở Malaysia, cá rô và cá mú cũng đã được nuôi trong các hệ thống biofloc trong nhà, với kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tránh các loài không thích vùng nước bùn với hàm lượng chất rắn cao, như một số loài cá da trơn và cá chẽm.
Nhờ có sục khí mạnh và khả năng tự lọc của nước nuôi, mật độ thả cao có thể được xem xét và thông thường là thả tôm ở mật độ 150 đến 250 PL/m2. Mật độ thả an toàn cho cá rô phi sẽ là 200 - 300 cá bột/m2. Nhiều nông dân cố gắng sử dụng mật độ thả cao hơn nhưng điều này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh, làm tổn hại cả sức khỏe và phúc lợi của động vật.
Bước 5: Cân bằng nguồn carbon đầu vào
Để ngăn sự đạt đỉnh của amoniac (chủ yếu có nguồn gốc từ nitơ trong thức ăn) khi bắt đầu chu kỳ nuôi, chúng tôi khuyên bạn nên bắt đầu hệ thống biofloc bằng việc đảm bảo đủ carbohydrate. Cacbon trong carbohydrate này cho phép vi khuẩn dị dưỡng sinh sôi và tổng hợp amoniac, do đó duy trì chất lượng nước.
Chúng tôi khuyên bạn chỉ nên chọn các nguồn carbon và hỗn hợp thức ăn có tỷ lệ carbon-nitơ (C / N) trên 10 vì điều này hỗ trợ sự phát triển của các vi khuẩn dị dưỡng. Vì hầu hết thức ăn cho cá và tôm có tỷ lệ C/N là 9: 1 hoặc 10: 1, nên cần có thêm đầu vào để nâng tỷ lệ này lên trong khoảng từ 12:1 đến 15:1. Có thể sử dụng: mật đường, tinh bột sắn, mía hoặc tinh bột.
Để ngăn chặn đỉnh amoniac ở các giai đoạn sau của quá trình sản xuất, nên lặp lại bước này, đặc biệt là khi sử dụng mật độ thả cao kết hợp với lượng lớn thức ăn cho ăn. Kiểm soát điều này là một trong những bước khó nhất để thực hiện thành công các nguyên tắc biofloc.
Bước 6: Tăng trưởng Biofloc
Với sự sục khí đầy đủ, ánh sáng tự nhiên (trong hầu hết các hệ thống) và nguồn carbon có sẵn, số lượng biofloc của bạn sẽ bắt đầu nhân lên nhanh chóng. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nhiệt độ nước, chất dinh dưỡng và ánh sáng mặt trời, cộng với số lượng bioflocs được gieo hạt khi bắt đầu, số lượng flocs sẽ tăng từ gần 0 lên khoảng 4 – 5 đơn vị trên một mililit trong một vài tuần. Cuối cùng, mật độ đáng kinh ngạc lên tới 10 tỷ vi khuẩn trên mỗi cm khối. Như Nyan Taw giải thích: “Một sự đa dạng đáng kinh ngạc của hơn 2.000 loài, tất cả đều làm việc chăm chỉ để giảm thiểu hàm lượng amoniac trong nước và duy trì chất lượng nước tốt.”
Theo dõi sự tăng trưởng của các flocs này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng cốc có hình nón để thu thập một số mẫu nước ở độ sâu từ 15cm đến 25cm, tốt nhất là vào buổi sáng. Các hạt rắn nên được để lại trong 20 phút.
Bước 7: Theo dõi và kiểm soát sự phát triển của biofloc
Từ thời điểm này, các mẫu nước phải được lấy thường xuyên để theo dõi và xác định hoạt động của hai loại biofloc cộng với mật độ tương ứng của chúng. Nói một cách đơn giản, bioflocs ngoài trời bao gồm tảo xanh và vi khuẩn: tảo chủ yếu sử dụng ánh sáng mặt trời để phát triển, trong khi vi khuẩn chủ yếu ăn thức ăn thừa, sản phẩm phụ và chất thải liên quan.
Do ban đầu tảo có xu hướng nhân lên nhanh hơn, điều này có nghĩa là một cái ao lúc đầu trông có màu xanh, chuyển sang màu nâu trong những tuần tiếp theo khi các khuẩn lạc vi khuẩn bắt đầu chiếm ưu thế. Như Nyan Taw giải thích: Từ màu nâu này xảy ra nhanh hơn với cá rô phi vì chúng được cho ăn nhiều thức ăn hơn, trong khi tôm mất nhiều thời gian hơn. Sự thay đổi màu này được minh họa rõ trong chỉ số màu của Hình 4.
Hình 4: Chỉ số màu cộng đồng vi khuẩn (MCCI) cho thấy sự chuyển đổi từ hệ thống thống trị tảo sang hệ thống thống trị vi khuẩn. Nguồn: Southern Regional Aquaculture Center (originally from Brune và Kirk)
Phát triển hệ thống biofloc liên quan đến tỷ lệ thức ăn. Nguồn: Regional Aquaculture Center
Bước 8: Theo dõi và kiểm soát các thông số nước và sục khí
Khi hệ thống biofloc chuyển sang màu nâu, sục khí phải được tăng lên đáng kể để duy trì tốc độ hô hấp cao. Tốc độ hô hấp ở giai đoạn này có thể đạt tới 6mg mỗi lít mỗi giờ, đòi hỏi năng lượng gấp sáu lần mỗi ha so với khi bắt đầu hoạt động.
Bất kỳ sự cố mất điện nào trong giai đoạn này đều có thể nhanh chóng dẫn đến mất mùa do thiếu oxy và vì trong môi trường oxy thấp, nhiều vi khuẩn dị dưỡng bắt đầu sản xuất amoniac. Điều quan trọng đối với hệ thống sục khí là phải luôn luôn hoạt động.
Điều này có nghĩa là bảo trì và giám sát tốt các thiết bị sục khí, cộng với hệ thống điện cung cấp năng lượng để chạy hệ thống này. Vì lưới điện ở nhiều nước châu Á không quá đáng tin cậy, do đó nông dân nên đầu tư vào các giải pháp dự phòng. Một số nhà sản xuất có thiết bị sục khí chạy bằng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, những thứ này tốn kém hơn và không phải lúc nào cũng mạnh mẽ. Một máy phát điện diesel lớn, bao gồm một bộ máy phát điện dự phòng thứ hai, có thể là lựa chọn tốt nhất cho hầu hết các hoạt động của trang trại lớn.
Theo dõi thường xuyên các thông số chất lượng nước, đặc biệt là nồng độ oxy và amoniac hòa tan, sẽ cho cho bạn biết hệ thống đang hoạt động tốt hoặc cần sục khí thêm.
Đo thông số chất lượng nước. Nguồn: Khoo Eng Wah/Sepang Today Aquaculture Centre
Bước 9: Theo dõi các thông số hiệu quả nuôi
Bên cạnh việc duy trì chất lượng nước với chi phí thấp hơn và không cần trao đổi nước, mục tiêu thứ hai của hệ thống biofloc là cải thiện tốc độ tăng trưởng và hiệu quả nuôi, từ đó cải thiện lợi nhuận và tính bền vững của hoạt động canh tác.
Để kiểm tra trang trại đang hoạt động như thế nào, cần theo dõi thường xuyên các yếu tố hiệu suất của trang trại, tính toán và ghi lại tốc độ tăng trưởng, ngoại hình tổng thể, FCR và tỷ lệ sống là bắt buộc.
Bước 10: Thu hoạch và vệ sinh
Đối với tôm, thu hoạch từ 20 - 25 tấn/ha có thể được mong đợi một cách an toàn. Nếu tất cả các bước đã được tuân thủ, một nông dân có thể mong đợi tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống tăng lên, do đó giảm chi phí đầu tư và cải thiện lợi nhuận.
Việc làm sạch ao nuôi sau thời gian thu hoạch thường bị lãng quên và bị đánh giá thấp tuy nhiên đây là khâu rất quan trọng. Mặc dù việc tái sử dụng nước nuôi có vẻ hấp dẫn vì phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng quần thể vi sinh vật, nhưng điều này không được khuyến khích. Các mầm bệnh có thể đã phát triển và có thể gây ra rủi ro an toàn sinh học nghiêm trọng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng theo thời gian, kim loại nặng có thể tích tụ trong nước nuôi cấy, có thể tích tụ trong ao của bạn, khiến nó không phù hợp với tiêu dùng của con người. Chúng tôi khuyên bạn nên dọn dẹp vệ sinh hệ thống thật tốt trước khi bắt đầu vụ nuôi tiếp theo.
VĂN THÁI (Lược dịch) thefishsite
Nguồn:Tepbac.com