Bài viết này sẽ phân tích và tổng hợp các thông tin cơ bản giúp người nuôi hiểu rõ hơn về mô hình nuôi tôm dùng điện năng lượng mặt trời.
1. Tổng quan về nuôi tôm dùng điện năng lượng mặt trời
Những ngày qua cùng với xu hướng sử dụng nguồn năng lượng thiên nhiên thân thiện môi trường và được khuyến khích từ chính phủ, các dự án điện năng lượng mặt trời ngày càng phổ biến, phát triển đa đạng đặc biệt là các dự án kết hợp sản xuất nông nghiệp. Từ nhu cầu đó bắt đầu xuất hiện các mô hình như điện áp mái trên các trang trại gia súc, các trang trại trồng cây xen kẻ các tấm pin mặt trời hay điện mặt trời với nuôi thủy sản.
Nuôi tôm dùng điện năng lượng mặt trời góp phần tiết kiệm chi phí cho người nuôi tôm.
Mô hình nổi bật nhất giữa nuôi thủy sản và điện mặt trời chính là nuôi tôm công nghệ cao. Mô hình này mang lại doanh thu cao lại có thể tận dụng tối ưu nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Do đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao kết hợp với điện năng lượng mặt trời đang trở nên “hot” hơn bao giờ hết ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Tuy nhiên, trong sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các dự án thì vẫn còn nhiều thắc mắc xoay quanh mô hình này. Từ nhu cầu đó, bài viết sẽ phân tích và tổng hợp các thông tin cơ bản nhằm giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn.
Các dự án điện năng lượng mặt trời trong nuôi trồng thủy sản ngày càng được khuyến khích.
2. Mô hình
Hầu hết mô hình nuôi tôm dùng điện năng lượng mặt trời là nuôi tôm theo hướng công nghệ cao.
Trong vận hành nuôi tôm, nhu cầu sử dụng điện luôn ở mức cao và phải đảm bảo liên tục từ lúc thả giống đến khi thu hoạch, nhất là giai đoạn tôm dưới 100 con/m2, phải đảm bảo sự hoạt động liên tục của các thiết bị cung cấp oxy và tạo dòng.
Điện mặt trời được xây dựng theo hình thức Trang trại điện mặt đất (Solar farm), các pin mặt trời nằm trên mái che hoặc có các trụ đỡ bê tông được đặt trực tiếp trên hoặc xung quanh ao nuôi, ao sẵn sàng, ao lắng hay trên các vùng đất trống trong trại nuôi.
Nguyên lý hoạt động: Điện năng lượng mặt trời là điện được tạo ra từ việc chuyển đổi năng lượng ánh sáng mặt trời (quang năng) thành điện năng bằng các tấm pin năng lượng mặt trời. Pin năng lượng mặt trời bao gồm nhiều tế bào quang điện (thông thường 60-72 tế bào) ghép lại thành khối tạo thành.
Mô hình điện mặt trời tại trang trại của CP Thái Lan.
3. Lợi ích từ mô hình
Theo thạc sĩ Nguyễn Vĩnh Khương trình bày trong hội nghị “Thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam” diễn ra tại Bạc Liêu, lắp đặt điện mặt trời sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu thụ cho các thiết bị điện đặc biệt là sục khí, giảm nhiệt độ cho một phần trong ao nuôi, giảm chi phí điện, tăng tính ổn định, tiết kiệm nguồn năng lượng truyền thống và góp phần bảo vệ môi trường.
Đối với sản xuất tôm đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao, điện năng là yếu tố vô cùng thiết yếu. Nhu cầu tiêu thụ điện lớn và phải liên tục luôn là vấn đề cấp thiết của người nuôi. Từ đó chi phí điện năng cũng trở thành vấn đề đáng quan tâm hơn. Thêm vào đó, việc sử dụng điện quá nhiều sẽ làm tăng hiệu ứng nhà kính, thiếu hụt nguồn điện cung cấp dẫn đến khả cấp cho việc sản xuất không liên tục, tăng hao phí các nguồn tài nguyên tạo ra điện (nước, than, dầu khí,…).
Nguồn năng lượng mặt trời góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất cho nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, điện mặt trời được xem là nguồn năng lượng thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Việc tận dụng nguồn năng lượng này góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng quốc gia giúp nước nhà có đủ điện cung cấp đều trong sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ngoài ra lượng điện dư trong quá trình sử dụng sẽ được hòa lưới điện và tổng công ty điện lực sẽ mua lại với giá cụ thể: Dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh, dự án điện mặt đất là 1.644 đồng/kWh, trên mái là 1.943 đồng/kWh. Riêng Ninh Thuận, giá mua điện có dự án vận hành trước ngày 01/01/2021 và tổng công suất tích lũy không quá 2.000MW sẽ được hưởng giá ưu đãi 2.086 đồng. Thông tin thêm: Kể từ ngày 31/12/2020, EVN đã dừng ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà.
4. Những vấn đề cần chú ý khi lắp đặt mô hình
Mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn, khu đất canh tác rộng lớn và có thiết kế kĩ thuật, sự tính toán rõ ràng trước khi vận hành.
Trong thi công, các tấm pin sẽ được đặt trên các vị trí được tận dụng như mái che, trên các ao, các khu đất dư trong trại nuôi thuận lợi nhất để hướng ánh nắng.
Đối với các tấm pin nằm trên các trụ đỡ và được đặt trong các ao có tiếp xúc với nước cần chọn loại vật liệu có thể chống chịu với môi trường có mức độ ăn mòn cao dễ hư hỏng.
Lắp đặt tấm pin mặt trời cho trang trại nuôi trồng thủy sản.
Trung bình để lắp đặt được 1kwp pin mặt trời cần diện tích là 6m2. Ví dụ chúng ta có 5 giờ nắng tốt trên ngày và sử dụng pin 1kwp thì sẽ tạo ra 5kWh/ngày, vậy nếu tiêu thụ 200kWh thì cần 40kwp tương đương diện tích cần là 240m2. Thực tế con số này sẽ phụ thuộc quy mô trang trại và lượng điện sử dụng.
Vì đây là mô hình lấy nuôi tôm là chính nên việc chọn vị trí, xây dựng hay vận hành phải đảm bảo sự an toàn của vật nuôi.
5. Các vấn đề quan ngại
Chúng ta đều biết, điện năng lượng mặt trời được xem là nguồn năng lượng sạch và là nguồn năng lượng thay thế cho xu hướng phát triển bền vững bởi vì trong quá trình lắp đặt cũng như vận hành là an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Như vậy nếu tấm pin và cách lắp đặt đúng quy chuẩn sẽ không ảnh hưởng đến môi trường nuôi và con tôm.
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng tấm pin năng lượng mặt trời, cách lắp đặt và cũng như các trang thiết bị đi kèm. Do đó việc mua bán các tấm pin phải dựa trên tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo được tuổi thọ và năng suất chuyển hóa thành điện năng. Như vậy khi các dự án năng lượng mặt trời lần lượt mọc lên như ngày nay, việc kiểm soát sẽ gặp nhiều bất cập. Đồng thời pin kém chất lượng ngoài việc không đạt tuổi thọ và hiệu suất như mong muốn còn có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đặc biệt ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Tuy nhiên, khi các dự án năng lượng mặt trời lần lượt mọc lên dày đặt thì việc kiểm soát sẽ gặp nhiều bất cập.
Một vấn đề khác được lưu ý chính là phương pháp xử lý các tấm pin sau khi đã hết hạn sử dụng. Một số chủ dự án cho biết khi kí hợp đồng với các nhà cung cấp có điều khoản sẽ thu hồi và xử lý sau khi pin hết hạn sử dụng tuy nhiên những cam kết, điều khoản này được thực hiện trong thời gian quá dài sẽ không được đảm bảo, mặc dù các chuyên gia còn cho biết công nghệ xử lý các tấm pin mặt trời đã được nghiên cứu trên thế giới từ những năm 2012 và Việt Nam có thể chuyển giao công nghệ hoặc xây dựng quy trình xử lý riêng cho mình nhưng cho đến này vẫn chưa có đề xuất hay bản phác thảo kế hoạch nào được nêu ra về vấn đề này dù rằng các dự án đã bắt đầu hoạt động từ lâu.
Triệu
Nguồn:Tepbac.com