Ương tôm theo công nghệ Biofloc

Biofloc được xem là công nghệ sinh học ứng dụng trong ương nuôi tôm giống mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hệ thống ương

Hệ thống ương được thiết kế phù hợp là cơ sở cho an toàn sinh học cao để nuôi ấu trùng ở mật độ cao và thâm canh từ 2 mg – 3 g. Nhìn chung, các hệ thống ương thường bao gồm các bể/ao được lót bằng bạt và che bằng tấm nhựa nhà kính hoặc mái che bằng dây cáp với diện tích 300 – 7.500 m2. Chúng có thể là hình chữ nhật (dòng nước chảy liên tục, xung quanh một vách ngăn ở giữa), hình vuông hoặc tròn (nước được chảy thành vòng tròn, xung quanh cống ở giữa). Mật độ thả 500 – 10.000 con/m3 hoặc nhiều hơn với kích thước thu hoạch là 0,3 – 3 g/con, sinh khối lúc thu hoạch 1 – 3 kg/m3.

Vị trí thích hợp cho hệ thống ương là nằm gần hoặc kết hợp trong khu vực nuôi thương phẩm. Nguồn nước tốt nhất nên đến từ kênh cấp của trang trại hoặc trước các trạm bơm, cho phép việc thải nước và thoát ra khỏi kênh thoát chính không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ương. Nước nên được thải vào kênh thoát nước của trại nuôi và cách xa khu vực lấy nước vào.

Hệ thống bể ương

Các bể ương một giai đoạn: Thường được thiết kế để sản xuất tôm con có trọng lượng 100, 200 hoặc 300 mg/con. Các bể chứa thường từ có thể tích 40 – 200 m3 và được đặt trong nhà kính hoặc che bằng bạt trong suốt. Hầu hết các bể này được xây dựng từ bê tông, lưới thép, gỗ, nhựa, sợi thủy tinh hoặc hồ chứa nhỏ bằng đất (nện chặt) và lót bạt (HDPE hoặc EPDM với chất liệu không độc hại) hoặc phủ một lớp epoxy. Mật độ thả dao động 8 – 50 con/lít để sản xuất ra tôm con có trọng lượng 0,1 – 0,3 g và sinh khối lúc thu hoạch cuối cùng là 1 – 5 kg/m3.

Bể ương giai đoạn 2: Giống với các hệ thống ương 1 giai đoạn nhưng được xây dựng ở quy mô lớn hơn. Thường thả tôm có trọng lượng 0,1 – 0,3 g được chuyển từ bể ương giai đoạn 1. Các hệ thống này thường được xây dựng trong ba hình dạng khác nhau, các bể hoặc ao được che chắn (hình tròn có ống xả ở giữa, hình bầu dục và hình chữ nhật), với thể tích trung bình 300 – 7.500 m3.
Công nghệ Biofloc được xem là giải pháp bền vững cho ngành tôm – Ảnh: ST

Chất lượng nước

Nước nên được bơm vào bể chứa từ nguồn nước chất lượng cao và được xử lý đúng cách. Hầu hết các hệ thống ương phải được lọc ít nhất qua một lần và khử trùng bằng Chlorine 20 – 30 ppm. Với những bể sử dụng lần đầu, cần được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ngọt, lưới lan được phơi nắng 2 – 3 ngày. Đối với những bể đã ương tôm, sau khi tháo cạn nước, bể được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ngọt và xà bông. Tiến hành kiểm tra sự xuất hiện của mầm bệnh ở dây sục khí, gạch khí. Cấp nước vào bể ương tới độ sâu 1 m. Kiểm tra độ kiềm trong nước đảm bảo trên 120 mg/L, nếu thấp hơn sử dụng bicacbonat (NaHCO3) để nâng kiềm. Các trang thiết bị máy móc cũng cần kiểm tra, bảo dưỡng đảm bảo khả năng hoạt động tốt.

Bên cạnh thiết bị quan trọng cho việc giám sát chất lượng nước trong ao và trại sản xuất, cần phải có các đồng hồ ORP, các hệ thống điện và ôxy dự phòng. Điều chỉnh cân bằng ion bao gồm hàm lượng canxi, magiê và kali và tỷ lệ của chúng khi sử dụng nước có độ mặn thấp.


Thức ăn và quản lý cho ăn

Tôm được nuôi trong hệ thống Biofloc với mật độ khác nhau. Sản lượng thức ăn dùng cho các hệ thống này khoảng 3 – 7 kg/m² và/hoặc 3 – 9 kg/m³. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) nằm trong khoảng từ 1,2:1 – 1,6:1. Hàm lượng protein của vi khuẩn có trong biofloc thường tăng thêm 0,25 – 0,5 đơn vị cho mỗi một đơn vị thức ăn công nghiệp.

Thức ăn nên được xây dựng chính xác để hỗ trợ sức khoẻ tôm, tăng cường cân bằng hệ thống miễn dịch và giảm căng thẳng trong quá trình chuyển sang ao nuôi thịt. Kích cỡ hạt và độ đồng đều của thức ăn được sử dụng phụ thuộc vào kích cỡ và độ đồng đều của tôm. Nên cho ăn liên tục bằng máy cho ăn tự động bởi vì tôm ăn thường xuyên. Tần suất cho ăn tối thiểu được đề nghị là hai giờ một lần (12 lần/ngày) với lượng thức ăn bằng nhau cho mỗi lần cho ăn. Thức ăn nên được phân bố 70 – 80% diện tích của hệ thống trong vòng vài phút sau mỗi lần cho ăn. Điều này có thể đạt được bằng phương pháp vật lý hoặc bằng cách dùng dòng chảy để phân bố thức ăn. Mục đích là cho ăn đúng số lượng thức ăn cho mỗi con tôm nơi chúng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng nhanh thức ăn.

Quản lý biofloc

Trong hệ thống ương nuôi cần phải cung cấp thêm nguồn carbon cho ao để kích thích sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng. Nitơ sẽ hấp thu thông qua việc tổng hợp protein của vi sinh vật. Có rất nhiều nguồn nguyên vật liệu dùng để cung cấp carbon vào hệ thống biofloc, bao gồm mật rỉ đường, đường, bột khoai mì, bột gạo, bột đậu nành, canxi carbonate, hay các nguồn khác. Nguồn carbon hữu cơ bổ sung phân hủy nhanh và tốt nhất là mật rỉ đường. Đồng thời bổ sung thêm nguồn vi sinh nhằm mục đích tạo biofloc phát triển bền vững trong ao nuôi.Cách duy trì biofloc: Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ Biofloc, lượng floc đo được là 2 – 3 ml/lít thì tỷ lệ mật đường bằng 72% lượng thức ăn/ngày, kết hợp với vi sinh ủ không sục khí 24 giờ và bón xuống ao lúc 9 giờ sáng, tùy thuộc vào mật độ biofloc trong ao nuôi để duy trì cho phù hợp. Trường hợp biofloc biến động (có xu hướng giảm, sụp…) cần kiểm tra lại hàm lượng ôxy hòa tan, hệ thống quạt, sục khí…. Để điều chỉnh cho phù hợp đồng thời tăng cường vi sinh, mật rỉ đường để tăng mật độ vi khuẩn nhằm phân giải môi trường và hoạt động của vi sinh sẽ tăng tạo khả năng kết dính lại của các hạt tảo hoặc cấp thêm 10% nước để môi trường được ổn định trở lại.

Hàng ngày nên kiểm tra sự phát triển của biofloc một lần để điều chỉnh biofloc cho phù hợp tránh tình trạng biofloc phát triển quá mức làm ảnh hưởng đến môi trường và tôm nuôi. Đặc biệt không được sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh để diệt khuẩn trực tiếp vào ao nuôi vì nó sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật trong hệ thống nuôi.

>> Đối với tôm, biofloc trở thành một nguồn thức ăn bổ sung, giảm tỷ lệ chuyển đổi thức ăn công nghiệp, cắt giảm chi phí. Chất lượng dinh dưỡng của biofloc rất tốt cho tôm nuôi, biofloc là một nguồn vitamin và khoáng chất rất tốt, đặc biệt là phosphorus. Do đó, biofloc làm giảm chi phí thức ăn và được coi là giải pháp bền vững.


Bích Hòa
Theo Contom.vn
Chí Thiệt

Bằng những kiến thức đã học hỏi được từ những bậc thầy và các bác nông dân kinh nghiệm.Tôi luôn quyết tâm mang đến cho mọi người một kho tàng kiến thức về nghành nuôi trồng thủy sản

Mới hơn Cũ hơn

post-ads1